Những người bị lệnh cấm vận tác động rõ nhất ở Triều Tiên

Google News

Những tay lái buôn ở biên giới Triều Tiên có lẽ cảm nhận rõ ràng hơn hết sức nóng từ lệnh cấm vận của LHQ.

Giới buôn lậu dọc biên giới Trung Quốc và Triều Tiên trước đây làm ăn rất phát đạt. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền, và nhất là khi Triều Tiên bị áp đặt lệnh cấm vận liên tục do thử nhiều tên lửa, công việc làm ăn của họ đã khó hơn trước rất nhiều.
Dịch vụ cho thuê thuyền để du khách tham quan sông Áp Lục giáp biên giới hai nước. 
Một người đàn ông Triều Tiên khoảng 50 tuổi, dáng người nhỏ thó, trước đây hành nghề vận chuyển đồ lậu qua biên giới, đứng trầm ngâm, miệng ngậm điếu thuốc rẻ tiền. Công việc của ông ta bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 2016 và sau đó, ông sang Trung Quốc định cư.
“Tôi có thể xách 10 cái TV cùng lúc. Tủ lạnh tôi cũng xách được kha khá”, người đàn ông hào hứng chia sẻ. Với một quốc gia chịu cảnh bao vây cấm vận như Triều Tiên, buôn lậu là một nghề khó tránh khỏi. Họ mang đủ thứ vào Triều Tiên, từ thức ăn, nước uống tới phụ kiện xe hơi, băng đĩa ca nhạc. Nghề buôn lậu giúp nhiều người giàu có và trở thành tầng lớp trung lưu.
Biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc dài 1.400 km là cơ hội lý tưởng cho giới buôn lậu làm ăn. Dù tuyến đường này đã bị lực lượng an ninh kiểm soát chặt chẽ, các chuyên gia cho biết nhiều hàng hóa vẫn ngày đêm “tuồn” qua biên giới.
“Những người buôn lậu nhỏ cảm nhận rõ nhất sức nóng của lệnh cấm vận”, John Park, giám đốc tổ chức Korea Working Grouyp ở đại học Kennedy, nói. “Với những công ty lớn ở Trung Quốc, đây lại là cơ hội tốt để làm ăn với khách hàng Triều Tiên”.
Khi xuất khẩu than bị cấm ở Triều Tiên, những tàu hàng sẽ đi tới cảng của Nga để che giấu tung tích. Khi những công ty Triều Tiên bị ngăn cản làm ăn, họ sẽ thuê người Trung Quốc hoặc các đại diện gốc Hoa. Khi khách hàng từ chối mua sản phẩm từ Triều Tiên, họ sẽ dán mác “Sản xuất ở Trung Quốc”.
“Trước đây tôi kiếm rất khá”, một người buôn lậu, nói bằng thứ giọng Trung Quốc khản đặc. “Giờ mọi thứ khó khăn hơn nhiều”. Người đàn ông 40 tuổi gốc Trung Quốc này kể rằng các đơn vị tuần tra biên giới ở Triều Tiên chấp nhận để hàng hóa thông thương giữa 2 quốc gia, miễn là họ được nhận một khoản tiền. “Họ cho phép tôi tuồn hàng lậu dễ dàng”.
Công việc của người này là vận chuyển vụn nhôm vào Trung Quốc thông qua một số đối tác từ Triều Tiên. Những người làm ăn cùng ông ta sẽ vứt hàng chục chiếc xe ở bờ sông Áp Lục hẻo lánh. Sau đó, những người Triều Tiên được thuê sẽ đập nhỏ xe cũ rồi vận chuyển các bao tải vụn nhôm qua sông. Bên phía bờ kia, xe tải của các công ty Trung Quốc đã đợi sẵn.
Mỗi bao tải vận chuyển thành công, ông lại cho người khuân vác bia, bim bim và chân giò. Trong những ngày “thuận buồm xuôi gió”, người đàn ông này có thể kiếm về 3.600 USD (khoảng 80 triệu đồng). Một năm, ông có thể làm được vài phi vụ như vậy.
Khi nhu cầu nhôm sụt giảm, thương lái này chuyển qua buôn lông thỏ từ Triều Tiên, bán cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Cách đây 2 năm, khi lệnh trừng phạt ngày càng dày đặc, biên giới Triều Tiên trở nên được chú ý hơn. Nhiều người đồn đoán rằng bất kì ai giúp đỡ hoạt động buôn lậu sẽ bị xử tử. Nhiều đối tác bỏ cuộc chơi. Họ nói rằng cảm thấy rất sợ hãi vì không muốn mất mạng, dù kiếm được nhiều thế nào. Cuối cùng, người đàn ông này cũng bỏ cuộc.
Việc buôn lậu ở Triều Tiên và Trung Quốc phát triển rầm rộ từ giữa năm 1990 khi nạn đói quét qua Bình Nhưỡng. Khi chính phủ kiểm soát lỏng lẻo, người Triều Tiên tìm sang biên giới Trung Quốc để kiếm thức ăn, công việc mưu sinh. Lúc nạn đói giảm dần, một thị trường buôn lậu được mở ra và tiếp tục tới ngày nay.
Người đàn ông buôn hàng 50 tuổi nói rằng ông ta gặp rắc rối đầu tiên từ năm 2012, khi biên giới Triều Tiên kiểm soát chặt các mặt hàng ông ta tuồn lậu. Cuối cùng, ông bị hạn chế hàng mang theo người. Năm ngoái, cần câu cơm này của người đàn ông này không còn và ông về Trung Quốc.
Cuộc sống ở nơi ở mới được cho là dễ dàng hơn một chút, dù ông ta không nói được tiếng Hoa và không tìm được việc. “Bạn bè của tôi đều ở Triều Tiên”, người đàn ông nói, hướng mặt về phía biên giới Triều Tiên.
Theo Quang Minh/Dân Việt