Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, mỗi năm có hàng triệu con chó bị giết để lấy thịt ở Campuchia bằng nhiều hình thức như trấn nước, siết cổ hay đâm chết. Ngành kinh doanh này đang ám ảnh những người thợ thu gom và giết mổ chó, đẩy họ đứng trước những rủi ro chết người như mắc bệnh dại và cả tâm lý tội lỗi.
|
Chó bị nhốt trong chuồng khi đưa tới lò mổ ở tỉnh Kandal. Ảnh: AFP |
Một cựu chủ nhà hàng thịt chó tên là Khieu Chan đã bật khóc khi mô tả lại công việc vẫn ám ảnh anh trong cả giấc ngủ. Khieu Chan từng có thời giết mổ đến sáu con chó mỗi ngày, bằng cách cắt cổ chúng.
“Xin hãy tha lỗi cho tao. Nếu tao không giết mày, tao không thể nuôi sống gia đình”, người đàn ông 41 tuổi thường nói với những con chó đang chờ chết trong lồng.
Từ tệ nạn xã hội đến rủi ro sức khỏe
Là nguồn thịt giàu đạm giá rẻ, thịt chó được ưa chuộng ở nhiều nước châu Á, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia cho tới Việt Nam và cả các cộng đồng phi Hồi giáo tại Indonesia.
Các nhà hoạt động xã hội cho biết mức tiêu thụ thịt chó đã giảm đi khi tầng lớp trung lưu tại châu Á tăng lên, bởi họ là những người yêu thích thú cưng và có quan niệm tiến bộ hơn liên quan đến việc ăn thịt chó.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán này vẫn diễn ra phổ biến tại Campuchia, nơi một nghiên cứu mới đây cho thấy kinh doanh thịt chó liên quan đến đội quân bắt trộm chó và giết mổ không phép. Nhiều nhà hàng ở các thành phố vẫn công khai bán thịt chó và giới thiệu rằng họ bán loại “thịt đặc biệt”.
Ước tính có khoảng 2-3 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm ở Campuchia, theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Four Paws, tiến hành đối với trên 100 nhà hàng thịt chó ở thủ đô Phnom Penh và khoảng 20 nhà hàng ở thành phố Siem Reap.
|
Một con chó nướng tại một nhà hàng ở tỉnh Kampong Cham. Ảnh: AFP |
“Đây là một ngành kinh doanh khổng lồ”, bà Kith Polak, một bác sĩ thú y làm việc cho tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Thái Lan Four Paws, gần đây đã trình bày những phát hiện của mình với chính phủ. Các quan chức đã bị sốc bởi quy mô của ngành buôn bán thịt chó, bà Kith cho biết.
Hàng ngày, những người gom thịt chó rong ruổi trên xe máy đi khắp miền Bắc Campuchia, đổi nồi, chảo và dụng cụ nấu nướng lấy những con chó nhà. Họ nhốt tất cả chúng vào một cái lồng hình chữ nhật lớn buộc chặt ở ghế sau và giao hàng cho người trung gian. Giá thịt chó hơi chỉ từ 2-3 USD/kg, vì thế càng khuyến khích những người cung cấp cố gắng thu gom càng nhiều càng tốt.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cho rằng buôn bán thịt chó là một nguy cơ y tế cộng đồng bởi nó có thể đưa các con vật mắc bệnh đi khắp nơi trên đất nước.
Campuchia là một trong những quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh dại cao nhất thế giới, và hầu hết các trường hợp là do chó dại cắn. Việc buôn bán thịt chó cũng ảnh hưởng tới nỗ lực tiêm chủng chó ở địa phương khi loại bỏ và giết chết những con chó đã được tiêm phòng.
Các lò mổ thường không đảm bảo quy định an toàn do không có cơ chế giám sát chặt. Thợ giết mổ cũng không được trang bị bảo hộ sức khỏe.
“Tôi đã bị một con chó cắn, nhưng không không đi tiêm phòng dại vì lúc tôi về nhà thì đã đêm muộn”, Pring That, một thợ giết mổ chó ở Siem Reap, cho biết. Thay vào đó, Pring tự rửa vết thương của mình bằng xà phòng và chanh.
Nỗi ám ảnh tâm lý
Các lò mổ quy mô công nghiệp tại các quốc gia đang phát triển khác thì áp dụng những quy tắc ngăn tách giữa công nhân và động vật. Nhưng hoạt động buôn bán chó ở Campuchia thì ngược lại, vẫn được tiến hành thủ công và nguy hiểm.
Sau khi nhận được hàng, những người thợ cởi trần dùng gậy chọc lũ chó bị nhốt trong lồng. Sau đó chúng bị treo lên, bị siết cổ bằng dây thừng hoặc dìm nước.
Mặt trời vừa lên tại một ngôi làng ở Siem Reap, một người đàn ông lôi con chó ra khỏi lồng, treo lên cành cây. Sau vài phút, con vật ngừng cử động. “Một ngày làm ăn tốt, tôi giết 10 -12 con chó”, người thịt chó vốn là một cựu binh tên Hun Hoy cho biết. “Tôi cũng thấy khổ thân chúng, nhưng vẫn phải siết cổ chúng”.
|
Chó được gom đến một lò mổ ở tỉnh Kandal. Ảnh: AFP |
Những người thu gom chó có thể kiếm từ 750-1000 USD/tháng tại một đất nước mà lương trung bình của công nhân dệt may chỉ dưới 200 USD. Vì thế sản lượng thịt chó là rất quan trọng. “Tôi biết điều đó là tội lỗi”, Dara, 30 tuổi, một người gom và giết mổ chó, chia sẻ.
Thịt chó được bán phổ biến tại các nhà hàng ở Campuchia, nơi những người lao động đã quen với những món nướng hoặc bát súp chỉ hơn 1 USD.
Nhưng đằng sau bàn ăn là những tổn thương tâm lý lớn với những người cung cấp thịt.
Nhiều thợ giết mổ chó đã bỏ nghề và thừa nhận họ bị trầm cảm vì nỗi ám ảnh tội lỗi. Ngồi cạnh chuồng chó của mình ở tỉnh Takeo, ông Khieu Chan nhớ lại cuộc gặp gỡ với các nhân viên tổ chức Four Paws. Họ cấp cho ông một khoảnh đất nhỏ để canh tác, đổi lại ông phải đóng cửa nhà hàng và ngừng giết chó.
Từ đó Khieu Chan tham gia giúp Four Paws giải cứu những con chó ốm bị thu gom. Thay vì nói lời xin lỗi những con chó xấu số, ông có thể nói với những con chó được giải cứu rằng: "Giờ thì chúng mày đã tự do. Chúng mày đã thoát khỏi cái chết”.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức