Nỗi ám ảnh cuộc đời qua thư từ biệt của 1 nữ tiếp viên hàng không

Google News

Sau tai nạn của Ethiopian Airlines, chuyên trang It's A Crew Life có đăng tải một bài viết về nghề tiếp viên hàng không, và bài viết đã được dịch lại bởi một tiếp viên Việt Nam.

Ngày 10/3, một chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng Ethiopian Airlines không may gặp nạn ở gần Addis Abba ở Ethiopia, cướp đi mạng sống của 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn.
Chuyến bay mang số 302 của Ethiopian Airlines rơi chỉ 6 phút ngay sau khi cất cánh, rất tương đồng với những gì xảy ra với Lion Air 610, nơi mà tất cả hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Không cần biết người ta nói nó an toàn đến đâu, nhưng bên trong một chiếc máy bay - hệ thống hỗ trợ cuộc sống biết bay ở độ cao 40.000 feet (khoảng 12 km), vẫn vô cùng nguy hiểm và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Noi am anh cuoc doi qua thu tu biet cua 1 nu tiep vien hang khong
 Hiện trường vụ tai nạn trên chuyến bay ET302 cướp đi mạng sống của 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Ảnh: Xinhua.
Với hành khách, việc ngồi trên một chiếc máy bay có thể ví như phó thác mạng sống của họ cho môi trường khắc nghiệt trên kia, nhưng họ chỉ làm thế trong một số hoàn cảnh nào đó. Còn với tiếp viên và phi công trên tàu, họ đặt cược mạng sống mỗi ngày khi phải làm việc, bước lên và vận hành chiếc máy bay.
Chúng ta vẫn chưa có thông tin chi tiết gì về phi hành đoàn có mặt trên chuyến ET302, nhưng chúng ta có thể mường tượng ra buổi sáng hôm đó đã xảy đến thế nào với những tiếp viên trên chuyến bay qua thảm kịch.
Với họ, đó có lẽ là một ngày làm việc bình thường như bao ngày khác, nói câu tạm biệt người thân yêu, đi đến trụ sở công ty, điểm danh, dự buổi tóm tắt công việc và vui vẻ trò chuyện cùng đồng nghiệp trước khi lên tàu.
Họ cũng có thể có kế hoạch nào đó ngay sau khi đáp, và biết đâu, trong số họ có người cầu nguyện cho một chuyến bay an lành mà họ vẫn thường làm như một thói quen.
Khó có thể nào những tiếp viên trên chuyến ET302 ấy biết đó có lẽ là lời tạm biệt cuối cùng của họ. Với những người đồng nghiệp dưới mặt đất mà họ đã trò chuyện thoáng qua, chẳng hề hay biết đó là lần cuối cùng họ được chúc chuyến bay an toàn tới người đồng nghiệp.
Noi am anh cuoc doi qua thu tu biet cua 1 nu tiep vien hang khong-Hinh-2
 Không cần biết người ta nói nó an toàn đến đâu, nhưng bên trong một chiếc máy bay ở độ cao 40.000 feet (khoảng 12 km), vẫn vô cùng nguy hiểm và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Ảnh: Richard/NVCC.
Nhiệm vụ hàng đầu của người tiếp viên hàng không là đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách trên chuyến bay, nhưng tiếp viên cũng là con người và họ không bất tử. Thực tế, nếu chiếc máy bay rơi xuống còn nguyên vẹn, hành khách còn sống sau cú va chạm mạnh, tiếp viên vẫn đứng trước rủi ro mất đi mạng sống vì họ sẽ là những người cuối cùng rời khỏi máy bay, để đảm bảo tất cả hành khách được an toàn và đã xa khỏi những mảnh vỡ.
Ngay cả khi ngọn lửa cháy bùng chiếm lấy khoang khách tăm tối, người tiếp viên cũng sẽ ở lại một khi vẫn còn hành khách chưa thoát hiểm. Thời gian được tính bằng giây bởi việc máy bay phát nổ đang cận kề với những người tiếp viên đang làm công việc đảm bảo không hành khách nào bị bỏ lại bên trong, và đó cũng có thể chính là nơi họ bỏ lại sinh mạng của mình.
Trong khi những người khác cầu nguyện họ được nối chuyến hay hạ cánh đúng giờ, điều mong mỏi của mỗi tiếp viên chỉ đơn giản là được về nhà an toàn, và không bao giờ phải nói lời từ biệt. Họ được chuẩn bị để thực hiện những gì đã được huấn luyện trong trường hợp không may và không mong muốn nhưng họ luôn cầu mong không phải làm việc đó bởi ngay cả khi họ được trang bị để hy sinh mạng sống vì mạng sống của hành khách khác, thì họ cũng có nỗi sợ phải lìa đời. Như chúng ta vẫn nói, tiếp viên thì cũng là con người.
Trái ngược với ánh hào quang bên ngoài của nghề nghiệp, sự hiểm nguy và các nguy cơ là có thật, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.
"Mỗi tiếp viên bước lên máy bay 6 ngày một tuần, và lên tới 4 lần mỗi ngày. Nghe có vẻ hào nhoáng đấy, nhưng sự rủi ro luôn rình rập họ. Khi xảy ra tình huống xấu, tiếp viên sẽ là những người cuối cùng rời máy bay trong khi cứu lấy hơn 100 hành khách. Đó chính là lý do vì sao trở thành một tiếp viên hàng không không chỉ đơn thuần là một nghề, nó là một lời kêu gọi, tiếng gọi cứu mạng người ngay cả khi phải đặt sự sống của bản thân vào hiểm nguy."- Mond Ortiz, Chủ tịch và đồng sáng lập Flyhigh Manila.
Hãy luôn luôn đối xử tử tế với những người tiếp viên hàng không đang phục vụ và đảm bảo sự an toàn của chính bạn. Tai nạn hàng không có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi người ta vẫn nói hàng không an toàn đến 99%, thì vẫn có 1% là không, và nó có thể rơi vào đúng chuyến bay của bạn. Nếu điều không may xảy ra, cô tiếp viên hàng không phải kêu gào kia có thể chính là người sẽ nói lời tạm biệt cuối cùng, vì cô ấy không muốn bạn phải nói câu từ biệt.
Chúng tôi mong muốn gửi những lời cầu nguyện tới tất cả hành khách và phi hành đoàn trên chuyến ET302. Chúng tôi cũng mong ước một bầu trời an toàn cho tất cả mọi người và chúng tôi luôn cầu nguyện cho sự an toàn của các bạn.
"Việc trở thành một tiếp viên hàng không không dành cho kẻ yếu đuối. Nó dành cho những tâm hồn dũng cảm, được sinh ra để trở thành anh hùng, và luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì người khác", Mond Ortiz, Chủ tịch và đồng sáng lập Flyhigh Manila.

Theo Zing