Nỗi đau của cha mẹ khi con cái thiệt mạng trong bi kịch Itaewon

Google News

Khung cảnh u ám bao trùm xứ củ sâm kể từ khi thảm họa đêm Halloween xảy ra. Những người đau lòng nhất là gia đình các nạn nhân khi phần lớn ra đi ở độ tuổi rất trẻ.

Trong tầng hầm của Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng Hannam-dong ở quận Yongsan, cách Itaewon không xa, sự im lặng đến rợn người bỗng bị cắt ngang bởi tiếng khóc nức nở của những ông bố, bà mẹ khi hay tin con mình không qua khỏi trong vụ thảm họa đêm Halloween.
Những người còn lại thấp thỏm chờ đợi tin tức, một không khí đau thương bao trùm cả căn phòng nhỏ.
Trong đó, một ông bố liên tục đi lại, tay cầm điện thoại xem đoạn tin nhắn cuối cùng của con gái. “Bố ơi, con được đến Seoul lần đầu tiên sau một thời gian dài”, cuộc hội thoại chỉ đúng một dòng nhưng người cha đã đọc hơn chục lần.
“Tôi nhận được cuộc gọi từ bọn trẻ rằng con bé đã nằm trên đường, tất cả bất lực nhìn nó được mang đi. Năm nay nó chỉ mới 20 tuổi, tôi mong phép màu sẽ xảy ra”, ông bố nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Con gái của người đàn ông này là một trong 154 trường hợp thiệt mạng tại thảm kịch giẫm đạp. Nhiều nạn nhân trong số này là phụ nữ và thanh niên ở độ tuổi 20.
Ông Choi Sung Beom, người đứng đầu lực lượng cứu hỏa ở Yongsan, cho biết những người bị thương khác cũng đang trong tình trạng nghiêm trọng và được điều trị khẩn cấp.
Noi dau cua cha me khi con cai thiet mang trong bi kich Itaewon
Nhiều người dân, gia đình đặt hoa tưởng niệm nạn nhân tại nơi xảy ra vụ thảm kịch kinh hoàng. Ảnh: New York Times.
Nước mắt của người ở lại
Sự kiện thương tâm ở ở Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến thảm kịch giẫm đạp xảy ra ở các bữa tiệc văn hóa, chương trình giải trí quy tụ đông người trẻ tham gia.
Giữa tháng 9 năm nay, cảnh tượng hỗn loạn tại đêm nhạc rock được tổ chức ở thành phố Quetzaltenango (Guatemala) đã lấy mạng 9 người, trong đó có 2 trẻ em. Đây là hậu quả của việc tất cả khán giả đổ dồn về 2 cửa ra của trung tâm tổ chức sự kiện, tạo nên sức ép lớn, gây ngạt khí.
Tháng 11/2010, một bi kịch giẫm đạp khác diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội té nước tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) đã khiến ít nhất 350 trường hợp tử vong và 775 người bị thương. Sự cố khiến hàng nghìn người hoảng loạn, trong đó không ít nạn nhân trẻ tuổi đã vĩnh viễn ra đi.
Một số nhân chứng nói rằng đám đông bị mắc kẹt trên cầu khi nó bắt đầu rung lắc, họ không thoát ra được và cố gắng bám lấy các dây điện.
Xứ kim chi cũng từng chứng kiến một vụ đè người năm 2005 tại đêm nhạc ở thành phố Sangju (miền Nam Hàn Quốc). Cảnh sát xác định có 11 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Thảm họa xảy ra khi gần 5.000 khán giả cố ùa vào cổng giành chỗ.
Một bi kịch khác cũng gây ám ảnh trong trí nhớ người dân xứ củ sâm là vụ chìm phà Sewol năm 2014.
Trong số những hành khách có mặt trên chuyến tàu định mệnh, gần 300 học sinh đã qua đời và mất tích. Đây được đánh giá là tai nạn hàng hải cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong thời bình ở Hàn Quốc.
Trong vụ việc tại “phố Tây của Seoul”, theo truyền thông xứ Hàn, có tới 98 nạn nhân tử vong là nữ. Ngoài ra, thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc còn cho thấy 5 người là học sinh trung học, một trường hợp mới học cấp 2.
Theo các chuyên gia, vì thân hình nhỏ bé, ít cơ bắp, họ khó có thể khó chống lại áp lực khi bị ép trong đám đông.
Khi danh tính của các nạn nhân dần được xác định, sự tiếc thương càng sâu sắc hơn khi phần lớn trong số đó là những người trẻ đang chuẩn bị bước sang chương mới cuộc đời, theo New York Times.
Một cô gái đến từ thị trấn nhỏ, vừa tròn 20 tuổi, mơ ước được học ngành thiết kế thời trang. Một nữ sinh mới tốt nghiệp đại học, tìm được công việc đầu tiên ở công ty tư vấn. Một chàng trai họ Kim (18 tuổi) đang theo học trường kỹ thuật ở Seoul. Ước mơ của cậu là làm việc cho công ty hàng đầu Hàn Quốc. Bình thường Kim thích ở nhà nhưng do vừa giảm được số cân nặng như mong muốn, cậu quyết định tham gia lễ hội Halloween để tự thưởng cho bản thân. Trước đó, bà của Kim lo lắng về đám đông nên đã cố gắng khuyên cháu trai ở nhà.
“Tôi đã nói với nó rằng hãy lập tức về nhà nếu quá đông đúc”, người bà chia sẻ.
Đó cũng là lần cuối cùng họ có thể trò chuyện trực tiếp với nhau.
Noi dau cua cha me khi con cai thiet mang trong bi kich Itaewon-Hinh-2
Không ít nạn nhân thiệt mạng trong lễ hội hóa trang còn ở độ tuổi khá trẻ. Ảnh: New York Times, AFP.
Cuộc đời của những nạn nhân đã kết thúc trong con hẻm hẹp trải dài từ quán bar theo chủ đề Hawaii rợp bóng cây cọ, băng qua một câu lạc bộ izakaya và hip hop của Nhật Bản đến tuyến phố chính ở Itaewon.
Không có phép màu xảy ra
Khung cảnh u ám tại Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng Hannam-dong khiến những người chứng kiến không thể không rơi nước mắt khi thấy “người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Phần lớn gia đình không liên lạc được với thân nhân vì điện thoại đều bị nghiền nát trong đám đông hoặc đánh rơi trên tàu điện ngầm. Tất cả vẫn chờ đợi từng giây, từng phút, mong phép màu sẽ đến, giúp con cái họ có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Theo Korea Joongang Daily, hàng nghìn người vẫn chưa tìm thấy và hầu hết trường hợp tử vong đã được xác định danh tính. Cảnh sát làm việc không ngừng nghỉ để hỗ trợ gia đình nạn nhân và chuyển người bị thương vào bệnh viện.
Một cặp vợ chồng ở độ tuổi 50 (đến từ Daejeon) bắt chuyến tàu đầu tiên để có mặt sau khi nghe được tin tức về con gái của họ từ bạn bè trên lớp. Họ nói rằng lần cuối nhìn thấy cô bé là vào đêm được nhân viên cấp cứu mang đi khỏi hiện trường.
“Cảnh sát đã tìm thấy điện thoại của con gái tôi vào khoảng 5h. Tôi hoàn toàn không ngủ được và chạy đến thẳng đây. Đến giờ, tôi hoàn toàn kiệt sức nhưng vẫn hy vọng con còn sống”, một bà mẹ bày tỏ.
Trong khu vực chờ còn có khoảng 30-40 người khác, hầu hết đều kiểm tra điện thoại để kiếm manh mối, cập nhật tình hình với các thành viên còn lại.
Khi tin tức về những người mất tích bắt đầu được đưa ra, một số gia đình thở phào nhẹ nhõm khi không nghe tên người thân có trong danh sách thương vong. Trong khi đó, những người khác vẫn thấp thỏm lo âu.
Sau khi một người mẹ hay tin con trai mình được tìm thấy an toàn và khỏe mạnh ở Incheon, những người ngồi xung quanh cô ấy đã gửi lời chúc mừng. Cách đó không xa, một người mẹ khác ngã quỵ sau khi nghe thông báo con gái mình qua đời.
Cảnh tượng trái ngược diễn ra trong trung tâm dịch vụ cộng động cùng với tiếng thở dài bực bội, âm thanh xì xào làm căn phòng nhộn nhịp hơn buổi sáng.
“Chúng tôi không được ai hướng dẫn. Mong chính quyền có thể công bố danh sách càng sớm càng tốt về việc ai đang ở bệnh viện nào và ai đã chết”, Jeong Hae-bok (56 tuổi), người đang chờ thông tin về cháu trai, chia sẻ.
Theo Thảo Ngân / Zing