Nỗi lòng ngày Tết của "gái ế"

Google News

Ngày càng nhiều người trẻ độc thân Trung Quốc không về quê vào dịp Tết. Họ chọn ở lại nơi họ làm việc hoặc đơn giản là đi nghỉ dưỡng.

Nhiều ngày trước Tết Nguyên Đán, Zhong Xian đã lưỡng lự xem có nên về quê thăm cha mẹ hay không.
Zhong (33 tuổi) là một quản lý kinh doanh tại một ngân hàng nhà nước ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thay vì về nhà, người phụ nữ độc thân này có kế hoạch đi nghỉ ở Phuket, Thái Lan.
Noi long ngay Tet cua
Nhiều phụ nữ độc thân sợ bị cha mẹ giục lấy chồng. (Ảnh minh họa: Theworldorbust) 
"Mỗi dịp Tết đến, khi tôi trở về nhà, cha mẹ tôi đều giục tôi lấy chồng", Zhong thẳng thắn tâm sự. "Tôi cảm thấy rất buồn".
Tết Nguyên Đán năm nay rơi vào ngày 5/2. Từ ngày 21/1 đến ngày 1/3, hệ thống giao thông Trung Quốc sẽ phục vụ gần 3 tỷ chuyến đi khi hàng triệu người về quê đón Tết hoặc đi du lịch.
Tuy nhiên, để tránh áp lực, ngày càng nhiều người trẻ độc thân Trung Quốc không về quê vào dịp Tết. Họ chọn ở lại nơi họ làm việc hoặc đơn giản là đi nghỉ dưỡng.
Kết quả thăm dò do Life Times công bố trên Sina Weibo vào đầu tuần này cho thấy, nhiều người được mệnh danh là "nhóm sợ về nhà" thừa nhận, bị hỏi về lương và bị giục đi hẹn hò là những lý do khiến họ không muốn về nhà vào dịp Tết.
Tại thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây - quê hương của Zhong, người dân địa phương có truyền thống trang trí nhà cửa bằng hoa và các chậu cảnh.
"Trước kia, mỗi lần tôi về nhà, tôi sẽ nhìn thấy những bó hoa đào", Zhong nói. "Trong văn hóa truyền thống, hoa đào có nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp và hôn nhân và tôi biết chắc điều cha mẹ tôi đang muốn ám chỉ".
Zhong cho biết mặc dù hoa rất đẹp, nhưng cô vẫn cảm thấy căng thẳng vì điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ cô luôn lo lắng chuyện con gái họ vẫn độc thân. "Những người thân cũng sẽ giục tôi kết hôn", Zhong cho biết. "Đó là lý do vì sao tôi không muốn về nhà".
Tại thành phố Hạ Môn, Yang, một lao động di cư quê ở tỉnh Giang Tây cũng đang băn khoăn về chuyện về nhà đón Tết hay không. Cuối cùng, anh đã quyết định không về vì sợ tốn nhiều tiền.
"Tôi sẽ phải tốn ít nhất 5.000NDT (hơn 17 triệu đồng) để mua quà Tết", Yang nói với Xunyang Evening News. "Và đó chưa bao gồm chi phí đi lại". Ngoài ra, Yang cũng lo lắng rằng người thân sẽ hỏi anh kiếm được bao tiền.
"Mọi người biết tôi đang làm việc tại một thành phố lớn như Hạ Môn nên họ nghĩ tôi kiếm được rất nhiều tiền", Yang chia sẻ. "Họ cũng hy vọng nhiều ở tôi nên điều đó khiến tôi càng cảm thấy áp lực".
Trong khi nhiều người sợ trở về nhà trong dịp Tết, cha mẹ họ cũng thấu hiểu phần nào.
"Con gái tôi không thích về nhà trong vài năm gần đây", bà Wang Liping, mẹ của Zhong Xian nói. "Tôi có thể hiểu rằng vì chúng tôi luôn hỏi bao giờ nó có bạn trai và khi nào nó kết hôn".
Bà Wang nói bà biết những lo lắng của con gái và điều quan trọng nhất là con bà được hạnh phúc.
Ông Huang Nanjin, giáo sư tại đại học Quảng Tây cho biết đằng sau "nhóm sợ về nhà" là những giá trị truyền thống đang bị phá hủy.
"Liên lạc nhanh qua Internet đã làm giảm sự gắn kết giữa người trẻ với gia đình và môi trường nơi họ lớn lên ", ông Huang nhận định. "Đối với nhiều người, trở về nhà không còn quan trọng nữa".
"Nhà vẫn là nhà", bà Wang Liping nói. "Điều quan trọng nhất đó là gia đình được đoàn tụ".
Theo Sầm Hoa/Vietnamnet