Câu chuyện về người phụ nữ Kenya Mary Kibwana sẽ được tiết lộ trong phim tài liệu Maid in Hell (Tạm dịch: Cuộc sống địa ngục của nô lệ) trên BBC vào ngày 11/11 tới.
Năm 2015, Kibwana, 30 tuổi, đến Jordan để làm nghề giúp việc, kiếm tiền gửi về nhà cho 4 đứa con của mình.
Cô được gửi đến làm việc cho một gia đình giàu có nhưng khi tới ngôi nhà đó, người phụ nữ bị chủ nhà lấy mất hộ chiếu và điện thoại di động.
Kibwana thường phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày, gồm việc nấu nướng và dọn dẹp từ 6h sáng cho tới khuya.
|
Câu chuyện về cuộc sống của lao động Mary Kibwana ở nơi xứ người sẽ được phát sóng trên BBC. |
Bà mẹ và cô con gái của nhà chủ thường đánh đập Kibwana. Mọi chuyện lên tới đỉnh điểm khi Kibwana đang pha trà thì bình gas nổ tung, khiến ngực và phần dưới cơ thể cùng quần áo của người phụ nữ giúp việc bốc cháy. Kibwana bị bất tỉnh ngay lúc đó và khi tỉnh lại, người chủ đã đuổi cô ra khỏi nhà.
Kibwana phải nằm viện ở Amman, thủ đô Jordan, trong hơn một tháng. Người chủ sau đó thông báo với chồng của người phụ nữ rằng cô đã “gặp một tai nạn nhỏ, sức khỏe vẫn tốt”.
Nhưng thực tế, nhận thấy sức khỏe của Kibwana có vẻ khó hồi phục, chủ nhà đã gửi cô về Kenya vào tháng 5/2016. Kibwana sau đó qua đời vì bỏng nặng đến 47% cơ thể.
Bà mẹ 4 con này chỉ là một trong số 2,8 triệu phụ nữ châu Phi tới Trung Đông để làm nghề giúp việc. Nhưng bộ phim tài liệu mới nhất Maid in Hell của BBC, một phần của Why Slavery?, sẽ hé lộ về chuyện những người nữ giúp việc nước ngoài tại Trung Đông thường xuyên bị chủ nhà đánh đập. Họ bị buộc phải làm việc suốt nhiều năm mà không được trả lương, bị đánh đập tàn nhẫn, bỏ đói và thậm chí bị cưỡng hiếp. Vấn đề ở đây nằm ở hệ thống Kafala - một bộ luật ở Trung Đông về sự ràng buộc giữa lao động nhập cư và người sử dụng lao động - là một trong những nguyên nhân khiến các lao động nước ngoài dễ bị bóc lột và lạm dụng.
Bộ phim tài liệu cũng kể chi tiết câu chuyện của Jessica tới từ Kenya. Cô kể chủ nhà đã vào phòng mình khi cô đang ngủ hòng thực hiện ý đồ xấu. “Tôi nói ‘Không, tôi đã kết hôn’ nhưng ông ta nói tôi phải tuân theo các quy tắc trong nhà ông ta”, Jessica kể lại. Người nữ giúp việc cuối cùng trốn thoát khỏi ngôi nhà bằng cách buộc 3 tấm ga trải giường lại với nhau và trèo xuống đất từ tầng 3.
Người xem cũng sẽ được theo dõi cuộc trò chuyện với Maher Doumit, người làm công việc tuyển dụng lao động ở Lebanon và Jordan trong 12 năm. Maher nói ông ta chẳng làm gì sai.
Các nhà làm phim tài liệu cũng sẽ kể câu chuyện về Paulina và Rita, hai người phụ nữ từ Ghana đến Lebanon làm việc. Họ buộc phải nộp lại hộ chiếu và điện thoại cho người khác và được gửi tới nơi cần người giúp việc.
Theo Doumit, đôi khi việc một cô gái tới từ châu Phi mà đang mang thai hoặc bị bệnh sẽ là vấn đề lớn. Trong năm 2016, cứ mỗi tuần lại có thi thể của hai người giúp việc Lebanon được chuyển về quê nhà.
Một báo cáo cho thấy 67% trong số những người lao động tử vong ở nước ngoài là do tự tử, trong khi những trường hợp khác chết vì thương tích do chủ sử dụng lao động gây ra.
Tòa án Jordan ra phán quyết về cái chết của nữ giúp việc Kibwana là kết quả của “điều khó tránh khỏi và do số phận”. Danh tính của người chủ không được tiết lộ và hộ chiếu của cô có lẽ cũng không bao giờ được trả lại.
Theo Bích Ngọc/Saostar