Chia sẻ tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực 2020-2021 của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) vào sáng 22/1, Đại sứ Quý nêu ra 5 bài học ngoại giao mà ông rút ra sau hai năm công tác: Chọn đúng thời điểm, vận dụng sáng tạo, tận dụng vị thế, áp bài học cũ vào hoàn cảnh mới, ngoại giao tâm công.
Theo Đại sứ Quý, không phải nước nào cũng mặn mà với việc tham gia HĐBA vì cho rằng không có lợi ích cho họ trong đó, nhưng kinh nghiệm vừa qua cho thấy Việt Nam cần tiếp tục tham gia lần thứ 3 trong vòng 10 năm tới.
“Cảm nhận chung của các thành viên trong phái đoàn sau 2 năm công tác là các nước lớn nể trọng Việt Nam hơn, các bạn bè đối tác quý Việt Nam hơn”, vị đại sứ nhận định.
|
Đại sứ Đặng Đình Quý tham gia hội nghị sáng 22/1 từ New York (Mỹ) qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Quốc Đạt.
|
Chọn đúng thời điểm
HĐBA là cơ quan nắm giữ quyền lực lớn vì đây là tổ chức duy nhất có thẩm quyền đưa ra nghị quyết có hiệu lực ràng buộc đối với 193 thành viên LHQ. Bên cạnh 5 thành viên thường trực - gồm Mỹ, Nga, Vương quốc Anh, Pháp và Trung Quốc, HĐBA có 10 thành viên không thường trực, được bầu cử định kỳ.
Tháng 6/2019, Việt Nam đã lập kỷ lục tại LHQ khi trúng cử ghế Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 với 192 trên 193 phiếu bầu.
“Chúng ta đã chọn nhiệm kỳ 2020-2021 và quá trình vận động để Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Đại sứ Quý nói về bài học đầu tiên - chọn đúng thời điểm. “Đây là nhân tố rất quan trọng để chúng ta thắng cử với số phiếu kỷ lục trong lịch sử Liên Hợp Quốc”.
“Đồng thời, nó tạo ra cho Việt Nam lợi thế vừa là chủ tịch ASEAN, vừa là chủ tịch HĐBA trong tháng 1/2020, khi chúng ta thúc đẩy một trong những ưu tiên là hợp tác giữa LHQ và ASEAN, giữa LHQ và các tổ chức khu vực tiểu vùng”, ông Quý cho biết.
15 thành viên của HĐBA sẽ luân phiên giữ ghế chủ tịch mỗi tháng. Việt Nam đã trở thành chủ tịch luân phiên HĐBA vào tháng 1/2020, ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực. Đây vốn là việc rất thách thức đối với mọi nước, theo Đại sứ Quý.
|
Phát biểu tại hội nghị sáng 22/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định vị thế quốc tế của Việt Nam đã thay đổi lớn. Ảnh: Quốc Đạt.
|
Nhưng vì tháng 1/2020 cũng là tháng LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập, phái đoàn Việt Nam đã lập tức chọn chủ đề của phiên thảo luận mở đầu tiên là “Thượng tôn Hiến chương trong gìn giữ hòa bình an ninh quốc tế". Đây cũng chính là bài học thứ hai - vận dụng sáng tạo, Đại sứ Quý nói.
“Cuộc thảo luận đấy đã làm nên kỷ lục về số phát biểu (111 phát biểu - PV). HĐBA cũng lần đầu tiên thông qua một tuyên bố chủ tịch về chủ đề này”, ông Quý kể. “Phái đoàn Trung Quốc cũng nói họ muốn làm về chủ đề tương tự nhưng không được vì tháng chủ tịch của họ diễn ra 2 tháng sau”.
Bài học cũ, hoàn cảnh mới
Tại LHQ, vị thế của thành viên HĐBA sẽ được xác lập bằng những đóng góp tích cực trong các công việc chung. Vị thế này phần nào được thể hiện qua số phiếu bầu hoặc mức độ ủng hộ của các nước bạn đối với sáng kiến của mình, theo Đại sứ Quý.
“Trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã phát huy được vị thế đó. Các ứng cử của Việt Nam đều đạt số phiếu cao, các sáng kiến của chúng ta đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và nhanh chóng của các nước”, ông Quý nói về bài học thứ ba - phát huy vị thế là một thành viên của HĐBA.
“Nếu tiếp tục được phát huy, những sáng kiến của Việt Nam trong năm qua, như Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh, Nhóm bạn bè của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cùng những nghị quyết và tuyên bố chủ tịch mang dấu ấn Việt Nam, sẽ sống mãi với lịch sử LHQ và lịch sử nhân loại”, vị đại sứ nhận định.
|
Quang cảnh hội nghị tổng kết sáng 22/1. Ảnh: Quốc Đạt.
|
Nói về bài học thứ tư - khai thác bài học lịch sử trong bối cảnh mới - ông Quý chỉ ra rằng Việt Nam từng trải qua 2 cuộc chiến và giai đoạn xây dựng hòa bình. Lịch sử ấy khiến các nước đặt kỳ vọng vào Việt Nam khi giải quyết các vấn đề an ninh thường xuất hiện trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã xây dựng nghị quyết 2573 của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân. Theo Đại sứ Quý, nghị quyết này phần nào bắt nguồn từ ký ức về sự tàn phá đê Yên Phụ, nhà máy điện Yên Phụ và Bệnh viện Bạch Mai năm 1972.
“Hay những đóng góp của Việt Nam trong giải quyết vấn đề ở Lybia… cũng phần nào xuất phát từ vấn đề Campuchia”, ông Quý nói. “Chúng ta đã đem được kinh nghiệm của mình vào trong những ý tưởng và sáng kiến được nêu ra tại các cuộc thảo luận ở HĐBA”.
Ngoại giao tâm công
Bài học cuối cùng của Đại sứ Quý là về phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh - “ngoại giao tâm công” - tức là tranh thủ trái tim của mọi người.
“Chúng ta nhận được 192 lá phiếu bầu, cũng là 192 lá phiếu trao trách nhiệm”, ông Quý nói. “Làm việc ở HĐBA là làm việc với các nước lớn và các nước đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải đại diện cho lợi ích của đa số các nước vừa và nhỏ”.
Đại sứ Quý kể 2 ngày trước khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ, đại sứ Paraguay từng nói với ông “đừng quên chúng tôi” sau khi vào HĐBA. Câu nói này có nghĩa chúng ta phải luôn nhớ tới lợi ích của các nước bạn khi đưa ra lập trường và cũng tiếp tục góp mặt ở sự kiện của họ, theo ông Quý.
“2 năm qua, đối với mọi nước, chúng ta khi đấu tranh, khi hợp tác thì đều tôn trọng đối tác, giữ vững nguyên tắc nhưng có tình có lý”, ông Quý nói.
Theo Quốc Đạt/Zing.vn