Cậu nam sinh Juan Zamorano, 14 tuổi, tại trường trung học ở bang Queretaro, miền trung Mexico, bị hai người bạn học đổ cồn lên chỗ ngồi và châm lửa thiêu sống hồi tháng trước, theo AFP. Gia đình cho biết khi Zamorano nhận ra quần bị ướt và đứng dậy nhưng đã quá muộn.
Sau vụ việc, Zamorano bị bỏng độ hai, độ ba và được xuất viện trong tuần này.
Trước khi sự việc xảy ra, cậu bé bị bắt nạt ở trường suốt nhiều tuần vì gốc gác Otomi, theo luật sư của gia đình. Gia đình cậu đã đệ đơn kiện những nam sinh bị cáo buộc tấn công cũng như các lãnh đạo trường học.
|
Ảnh minh họa. |
Otomi, là một trong hàng chục nhóm bản địa ở Mexico, với dân số ước tính khoảng 350.000 người. Ernesto Franco, luật sư của gia đình, nói rằng ngôn ngữ Otomi là tiếng mẹ đẻ của Zamorano.
Gia đình cáo buộc giáo viên của Zamorano cũng quấy rối cậu chỉ vì nguồn gốc. "Cô ấy nghĩ rằng chúng tôi không cùng giai cấp, chủng tộc của cô ấy", cha của Zamorano, người mô tả vụ tấn công là "âm mưu giết người", cho biết.
Công tố viên bang Queretaro thông báo một cuộc điều tra đang diễn ra và những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải đối mặt với các thủ tục pháp lý. Tổng thống Andres Mexico Manuel Lopez Obrador nói rằng nếu cần, văn phòng tổng chưởng lý quốc gia có thể xử lý sự việc.
"Tội duy nhất của Juan là nói tiếng Otomi", Jesus Ramirez, người phát ngôn của Tổng thống Mexico, cho hay. Ông nhấn mạnh rằng việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Viện Quốc gia về Người bản địa của Mexico kêu gọi giới chức "xử phạt trẻ vị thành niên và người lớn liên quan đến quấy rối và tấn công thường xuyên nhằm vào trẻ vị thành niên". Viện cho rằng cần triển khai các biện pháp khẩn cấp trong trường học để ngăn chặn các trường hợp kỳ thị và phân biệt chủng tộc.
Cuộc điều tra dân số năm 2020 cho thấy, nạn phân biệt chủng tộc vẫn phổ biến ở Mexico, quốc gia có 126 triệu người, với 23,2 triệu người là bản địa và hơn 7,3 triệu người nói ngôn ngữ bản địa. Khoảng 40% dân số bản địa phàn nàn về việc phải đối mặt với phân biệt đối xử, theo khảo sát do cơ quan thống kê quốc gia công bố năm 2018.
Thảo Nguyên (Theo AFP)