Phản ứng của Nga-Trung sau Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump

Google News

Thế giới đã có những phản ứng trái chiều trước Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trình bày trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong hôm 31.1.

“Đối thủ” Trung Quốc - Nga
Bình luận việc Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là 1 đối thủ thách thức các giá trị của Mỹ, Bắc Kinh thúc giục 2 bên cần quản lý sự khác biệt và hướng tới 1 tương lai tươi đẹp. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 31.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc và Mỹ chia sẻ những lợi ích chung rộng rãi và quan trọng, nhưng cũng còn một số khác biệt”.
Reuters dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh rằng, thực tế và lịch sử cho thấy, hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn nhất giữa 2 nước và những lợi ích chung vượt xa sự khác biệt. Bà Hoa Xuân Doanh hy vọng “Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc giải quyết những khác biệt và bảo vệ sự phát triển vững chắc của quan hệ Mỹ-Trung”. Về lời kêu gọi của ông Donald Trump tái thiết kho vũ khí hạt nhân của Mỹ như 1 phần của việc tăng cường phòng thủ quốc gia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, Mỹ với tư cách là quốc gia hạt nhân lớn nhất, có trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên là giải trừ hạt nhân.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đọc Thông điệp liên bang năm 2018 tại Washington DC., ngày 30/1 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN).
Trong khi những bình luận của bà Hoa Xuân Doanh mang tính hòa giải thì báo chí Trung Quốc lại không như vậy. Tờ Hoàn cầu Thời báo chỉ trích chính sách thương mại bảo hộ của Washington và việc Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, cho rằng đây là những động thái ích kỷ. Tờ báo cảnh báo rằng, sự tích tụ bất mãn trong cộng đồng quốc tế về chính sách Mỹ có thể dẫn đến xói mòn và đe dọa tính bền vững của sự thịnh vượng Mỹ. Còn tờ Nhân dân nhật báo bình luận về lời kêu gọi quan hệ thương mại công bằng và đối ứng của ông Donald Trump rằng, Nhà Trắng nên “nghĩ lại về các chính sách thương mại của mình hơn là đổ lỗi cho các nước khác về thâm hụt thương mại và mất việc làm”.
Cùng với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump trong Thông điệp Liên bang cũng chỉ đề cập đến Nga 1 lần như “đối thủ thách thức các lợi ích, kinh tế và giá trị của Mỹ”. Phát biểu với RT, thượng nghị sĩ Richard Black, bang Virginia cho rằng, việc Tổng thống Mỹ chỉ nhắc qua Nga và Trung Quốc có 1 lần trong bài diễn văn 90 phút không phải là sự trùng hợp, mà điều đó có nghĩa là ông Donald Trump không muốn đối đầu với 2 nước này. “Tôi không tin là ông ấy muốn gây căng thẳng với Nga hoặc Trung Quốc. Nhưng quyết định của Nhà Trắng ngăn chặn các biện pháp chế tài Nga theo Đạo luật chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đã khiến giới diều hâu nổi giận. Do đó, Tổng thống buộc phải nhắc đến Nga và Trung Quốc theo cách tiêu cực, song chỉ thoáng qua mà thôi” - ông Black lập luận với RT.
Các nước Châu Á
Những bình luận trong Thông điệp Liên bang của ông Donald Trump về Triều Tiên được chú ý đặc biệt ở các nước Đông Bắc Á, nhất là nhận xét rằng, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sớm đe dọa đại lục Mỹ. Giới phân tích cảnh báo, lập trường cứng rắn của ông Donald Trump có thể khác với hy vọng hòa giải của chính phủ Hàn Quốc và các cuộc đàm phán rộng hơn về giải trừ hạt nhân.
Trong khi đó, tâm trạng chung ở Nhật Bản ít bi quan hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Natsuko Sakata nói với tờ The Straits Times rằng, Nhật Bản đánh giá cao những thông điệp mạnh mẽ và ông Donald Trump phát đi về sự cần thiết phải duy trì áp lực để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ở Ấn Độ, vấn đề nước này quan tâm trong Thông điệp Liên bang là nhập cư. Tờ Thời báo Ấn Độ lưu ý trong 1 bài viết rằng, hệ thống nhập cư dựa trên thành tích có thể mang lại lợi ích cho những công nhân tay nghề cao của Ấn Độ. Nhưng tờ báo cũng nói, ông Donald Trump đưa ra cả tin tốt lẫn tin xấu, khi ông nhắc đến việc chấm dứt di cư theo chuỗi hoặc nhập cư của các thành viên trong gia đình mở rộng.
Malaysia lại quan tâm đến ý mà ông Donald Trump nhấn mạnh là cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria cần làm nhiều hơn nữa, và rằng, nhà tù Vịnh Guantanamo - nơi giam giữ các chiến binh Hồi giáo khét tiếng - sẽ tiếp tục vận hành.
Tại Mỹ, kết quả của cuộc thăm dò dư luận công bố ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang cho thấy, đại đa số cử tri Mỹ bày tỏ ủng hộ đối với bài phát biểu này. Theo kết quả do CBS News thăm dò 1.178 cử tri, thì khoảng 80% cho rằng, Tổng thống đã cố gắng truyền đi thông điệp người dân Mỹ đoàn kết chứ không phải chia rẽ. Thông điệp Liên bang giành được sự ủng hộ của 97% cử tri đảng Cộng hòa, 72% cử tri độc lập và 43% cử tri đảng Dân chủ.
Theo Ngọc Vân/Lao Động