Phép màu sau 14 năm bị tạt axit của cô gái từ chối lời cầu hôn

Google News

Những tưởng cuộc đời của cô gái trẻ xinh xắn, tài năng sẽ chỉ còn là bóng tối sau cái đêm bị tạt axit đó, thì giờ đây "hào quang" lại xuất hiện thay đổi cả quãng đời còn lại của cô.

Mời độc giả xem video: Con hổ “tự sát” sau khi bị tòa án tuyên tử hình ở Ấn Độ. (Nguồn VTC14)
Chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của gã trai sĩ diện vì bị từ chối lời cầu hôn, mà cuộc đời của một cô gái bỗng chốc trở nên u tối.
Đó là câu chuyện về lòng quyết tâm và nghị lực sống đáng ngưỡng mộ của cô gái trẻ tên Sonali Mukherjee, người Ấn Độ.
15 năm trước, tức là vào năm 2002, khi đó Sonali đang là một sinh viên ưu tú. Cô được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Đại học và đang theo học ngành Xã hội học. Vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp lại vô cùng thông minh nên hiển nhiên Sonali lọt vào mắt của rất nhiều chàng trai. Quả thực, đối với Sonali khi đó, tương lai tươi đẹp đang vô cùng rộng mở. Thế nhưng, nó lại đóng sập chỉ sau một đêm kinh hoàng.
Sonali từng là cô gái xinh đẹp có nhiều người theo đuổi. 
Sonali được một chàng trai trong vùng cầu hôn nhưng cô từ chối. Có ai ngờ, lời từ chối đó lại là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của cô gái trẻ, làm thay đổi cuộc đời cô chỉ trong phút chốc.
Tức giận vì bị từ chối lời cầu hôn, đêm hôm đó, khi Sonali đang say giấc, thanh niên kia cùng 2 người nữa lẻn vào nhà Sonali và tạt axit vào mặt cô. Sonali bị hủy hoại dung nhan xinh đẹp, hai mắt bị mù và lỗ tai gần như bị điếc. Đến nỗi bác sĩ kết luận toàn bộ da trên khuôn mặt của cô đã bị cháy, mí mắt và tai cũng không còn, nên việc tái tạo lại cả khuôn mặt là vô cùng khó khăn.
Tỉnh lại sau cơn đau như "có ngọn lửa cháy bừng bừng trên mặt", Sonali rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Bởi trước đó, cô vốn rất xinh đẹp, tự tin nhưng giờ thậm chí cô không thể nhìn khuôn mặt mình xấu xí đến mức nào.
Sonali phải trải qua 27 cuộc phẫu thuật để tái tạo lại khuôn mặt. 
Trong vòng 10 năm sau đó, Sonali phải trải qua 27 cuộc phẫu thuật để tái tạo lại khuôn mặt. Gia đình lại khó khăn, cha cô phải bán sạch nhà cửa để trang trải chi phí phẫu thuật và đòi lại công lý cho con gái.
Bởi những người tạt axit vào cô năm đó bị tuyên án 9 năm tù nhưng lại được tha chỉ 2 năm sau đó. Quá bất bình trước cách xử của tòa án trước nỗi đau đớn mà cô phải chịu đựng trong suốt nhiều năm, Sonali quyết đòi lại công bằng.
Từ đó trở đi, Sonali bỗng mạnh mẽ và can đảm đến không ngờ. Cô muốn chứng minh cho mọi người thấy dù dung nhan bị hủy hoại nhưng tâm hồn cô không dễ dàng "chết" như vậy.
Sonali trở thành "tấm gương sáng về lòng dũng cảm" khi dám lên tiếng đấu tranh, và xuất hiện trên một số chương trình truyền hình nói về các nạn nhân bị tạt axit. Sau đó, cô còn tham gia vào chương trình Ai là Triệu phú của Ấn Độ xuất sắc giành phần thưởng 50.000USD.
Cô dùng số tiền đó để tiếp tục hoạt động xã hội, bảo vệ những nạn nhân không may mắn như mình.
Câu chuyện nghị lực và lòng dũng cảm của Sonali được rất nhiều người biết đến, trong đó có cả chàng trai Chittaranjan Tiwari. Khâm phục tài năng và nghị lực của cô, Chittaranjan tìm đến và ngỉ lời muốn giúp đỡ. Dần dần hai người có cảm tình với nhau và đi đến tình yêu rồi kết hôn.
Cuối cùng Sonali cùng tìm được bến đỗ hạnh phúc. 
Năm 2015, người thân, bạn bè vui mừng khi biết tin cô gái bất hạnh đã tìm được bến đỗ cuộc đời. Đến tháng 12/2016, cặp đôi lại nhận được một món quà lớn lao, đó là cô công chúa nhỏ, kết tinh của tình yêu chân thành.
"Tôi ước rằng có thể cho con những điều tuyệt vời nhất và hy vọng rằng con sẽ được lớn lên trong môi trường thật an toàn. Cuộc sống của tôi giờ đây đã hoàn hảo. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất sau tất cả những gì mà tôi đã phải chịu đựng", Sonali chia sẻ.
Sonali và chồng quyết định đặt tên cho con gái là Pari, cái tên có nghĩa là "thiên thần" trong Tiếng Hin-ddi.
Cô bé "Thiên thần" trong vòng tay mẹ. 
Dù không thể nhìn thấy hình hài của con nhưng Sonali vẫn cảm nhận được nét đẹp đáng yêu của con. Cô nói: "Mỗi khi chạm nhẹ lên khuôn mặt nhỏ xinh của con gái, tôi lại có cảm giác như đã tìm lại được gương mặt ngày xưa của mình".
Sự đấu tranh không mệt mỏi và dũng cảm của Sonali cuối cùng cũng đã được đền đáp lại. Các nhà chức trách Ấn Độ đã sửa đổi Luật để đưa ra biện pháp trừng phạt nghiêm minh hơn đối với các vụ tấn công bằng axit. Bất cứ ai bị tấn công bằng axit đều nhận được các khoản bồi thường tài chính và hỗ trợ tinh thần từ chính phủ.
Quả thực, cuộc đời đã lấy đi của người phụ nữ này quá nhiều thứ nhưng cũng mang lại cho cô một món quà mà nhiều người vẫn hàng ao ước, một gia đình nhỏ ấm áp và một hạnh phúc trọn vẹn. Người ta gọi đó là "phép màu"...
Theo Helino