Ngày 28/11, lực lượng cứu hộ Ấn Độ đã giải cứu thành công 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm tại bang Uttarakhand sau 17 ngày nỗ lực. Các công nhân được đặt lên cáng có bánh xe và đưa ra ngoài qua một ống thép rộng 90 cm.
Các nhân viên cứu hộ đã đào một đường hầm sâu hơn 55m ở khu vực vụ sập hầm và đưa các công nhân ra ngoài thông quá một ống thép rộng 90cm. Hành trình giải cứu những công nhân mắc kẹt này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
|
Lực lượng cứu hộ nỗ lực giải cứu 41 công nhân mắc kẹt. Ảnh: Reuters. |
Sau khi ra khỏi đường hầm, 41 công nhân sau đó được xe cứu thương đưa về một cơ sở y tế cách đó 30 km. Họ dự kiến sẽ trở về quê hương sau khi được các bác sĩ xác nhận sức khỏe ổn định.
Mặc dù giới chức Ấn Độ đã triển khai nhiều phương án giải cứu trong suốt 17 ngày qua nhưng vẫn không tiếp cận được các công nhân do gặp nhiều khó khăn về địa hình và thời tiết. Lực lượng cứu hộ đã đào và thiết lập hai đường ống nhỏ để cung cấp oxy, nước và đồ ăn cho nhóm công nhân.
Sau khi chiếc máy khoan hạng nặng thứ hai tiếp tục bị hỏng và thất bại trong việc vượt qua đống đổ nát để tiếp cận nhóm công nhân, chính quyền Ấn Độ hôm 27/11 đã triệu tập một nhóm 6 "thợ mỏ chuột" - nghề nghiệp vốn bị cấm ở nước này.
|
Nhóm "thợ mỏ chuột" giúp giải cứu thành công 41 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm Ấn Độ. Ảnh: Suraj Singh Bisht. |
Ngay sau khi đến hiện trường, những người “thợ mỏ chuột” đã bắt tay vào làm việc. Họ phải đào tiếp 15 mét trong số 60 mét đống đổ nát để tiếp cận những công nhân bị mắc kẹt.
Nhóm “thợ mỏ chuột” chia ra làm hai đội, mỗi đội 3 người, trong đó 1 người khoan, 1 người thu dọn các mảnh vỡ rơi ra và người còn lại đẩy các mảnh vỡ ra khỏi đường ống. Nhóm này cho biết họ đã thay nhau đào hầm liên tục trong suốt hơn 24 giờ.
Sau khi những người thợ đào tới căn hầm nơi các công nhân bị nạn trú ẩn, nhân viên cứu hộ sử dụng các đường ống có đường kính 800mm được hàn lại với nhau và đẩy vào trong, dùng làm đường hầm thoát hiểm. Sau đó, các công nhân mắc kẹt thoát ra ngoài qua đường ống này.
|
Đường ống thoát hiểm được đưa vào hầm. Ảnh: TIMES OF INDIA. |
Nasir Hussain, một trong 6 thợ mỏ cho biết: “Sau khi phá được đống đổ nát và nhìn thấy họ bên trong đường hầm, chúng tôi đã ôm chầm lấy họ như thể gia đình”.
“Đây là quả nhiệm vụ khó khăn, nhưng đối với chúng tôi không có gì là khó cả”, một thợ mỏ khác tên Firoz Qureshi vừa nói vừa cười rạng rỡ bên các đồng nghiệp ngoài đường hầm. Khuôn mặt anh còn lấm tấm bụi trắng sau cả đêm khoan đống đổ nát.
Công việc “đào hang chuột” của nhóm 6 thợ mỏ này vốn là một phương pháp nguy hiểm và gây tranh cãi, nhưng vẫn còn được sử dụng rộng rãi ở bang Meghalaya phía đông bắc Ấn Độ để khai thác các vỉa than mỏng cho đến năm 2014, khi hoạt động này bị cấm vì hủy hoại môi trường và có nhiều trường hợp tử vong.
Cái tên “thợ mỏ chuột” xuất phát từ sự tương đồng với những con chuột đào hố dưới đất. Các hố có kích thước vừa đủ để công nhân (thường là trẻ em) xuống bằng dây thừng hoặc thang để lấy than. Các công nhân thường không có trang bị bảo hộ an toàn, cũng như không có đường thông gió phù hợp.
Vào tháng 1/2019, các tổ chức cho biết mô hình làm việc “đào hang chuột” đã khiến khoảng 10.000 đến 15.000 người thiệt mạng ở Ấn Độ từ năm 2007 đến năm 2014.
Từ những năm 1970, hoạt động này đã trở thành bất hợp pháp, khi Ấn Độ quốc hữu hóa các mỏ than và trao độc quyền cho Công ty Than Ấn Độ do nhà nước điều hành. Tuy nhiên, nhiều chủ mỏ nhỏ vẫn tiếp tục tuyển dụng người thấp bé để khai thác than bất hợp pháp.
Thảo Nguyên (Theo Reuters)