Quan điểm khác nhau về chuyến thăm của cựu sao tới Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia phân tích bày tỏ những ý kiến khác nhau về chuyến thăm lần thứ ba của cựu sao NBA Dennis Rodman tới Triều Tiên.

Mặc dù Rodman đã tổ chức một buổi họp báo ở ngay tại sân bay Bắc Kinh trước khi lên đường sang Triều Tiên để thông báo mục đích của chuyến đi, một số nhà quan sát cho rằng, cựu sao nên hoãn lại chuyến thăm mang tính “ngoại giao thể thao” này sau những bất ổn chính trị gần đây ở quốc gia bí ẩn này.
"Dường như ngoại giao thể thao không phải là cách hữu hiệu để cải thiện hình ảnh của Triều Tiên trong bối cảnh hiện thời. Tôi không nhận thấy rằng, đó sẽ là một mục đích chính cho cả hai bên. Tất cả chỉ là ảo tưởng mà thôi”, Aidan-Foster Carter, chuyên gia phân tích tình hình Triều Tiên tới từ Đại học Leeds chia sẻ.
Rodman được đón tiếp nồng nhiệt khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, trong một buổi trả lời phỏng vấn của cánh phóng viên trước chuyến thăm, Rodman hi vọng rằng, mình sẽ có một “cuộc trò chuyện tốt đẹp” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un “để giúp thế giới”.
“Tôi có cái nhìn khá thực tế. Chưa kể, tôi đã xin tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia chuyên phân tích tình hình đất nước Triều Tiên trong thời gian gần đây để đưa ra quyết định thực hiện chuyến thăm này. Mục đích của chuyến thăm không hề liên quan tới chính trị mà để chứng minh rằng, thể thao có sức mạnh xóa bỏ các khoảng cách về tất cả mọi vấn đề. Tóm lại, đây sẽ chỉ là chuyến thăm liên quan tới thể thao mà thôi”, Rodman nói.
Chuyên gia về Triều Tiên Chris Green lập luận rằng, thật sai lầm khi Rodman tới thăm Triều Tiên trong giai đoạn này. Ông còn bày tỏ sự lo lắng của mình đối với sự an toàn của cựu cầu thủ này: “Chúng ta có quan tâm tới sự an toàn của Rodman? Hay chúng ta chỉ cảm thấy khó chịu về chuyến thăm của anh ta khi mà vụ hành quyết Jang Song-thaek vừa diễn ra?”.
Rodman thu hút sự chú ý của mọi người khi xuất hiện ở khách sạn Koryo, Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, sau vụ Song-thaek, Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 19/12 đã khởi động lại cuộc đàm phán đầu tiên của họ về khu công nghiệp chung Kaesong. Cuộc đàm phán đó tập trung ở vào việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan tới cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin liên lạc ở Kaesong.
Ngoài ra, một phái đoàn đại diện G20 cũng tới thăm khu công nghiệp này. Đây là một phần trong hi vọng của Hàn Quốc nhằm “quốc tế hóa” Kaesong.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia thuộc Nhóm giải quyết các khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) tên là Daniel Pinkston lại cho rằng, các chỉ trích nhằm vào chuyến thăm Triều Tiên của Rodman là không có cơ sở.
“Bạn có lưu ý tới chuyến thăm của các quan chức Hàn và các doanh nhân tới Kaesong không? Aidan và những người khác đã trầm trọng hóa sự việc trên”, ông nói.
Thanh Nga (theo NK News)