Quan hệ Anh - Trung "sóng gió" vì Hồng Kông

Google News

Người Anh vẫn dõi theo mảnh đất từng là của họ và Bộ Ngoại giao Anh vừa ra thông báo chính thức về tình hình Hồng Kông hiện giờ.

Bộ Ngoại giao Anh lên tiếng 
Anh đã trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc được hơn 17 năm. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Anh và Hồng Kông vẫn còn rất "quyến luyến". 
Một báo cáo của Chính phủ Anh về Hồng Kông đã bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng" về tự do báo chí và tự kiểm duyệt tại đặc khu này.
Trong báo cáo do Ngoại trưởng William Hague trình lên Quốc hội vào giữa tuần, ông phản ánh rõ các căng thẳng do yêu cầu cải cách dân chủ đang gia tăng nhanh tại Hồng Kông. "Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận, bao gồm báo chí, đã đóng một phần quan trọng trong sự thành công của Hồng Kông", báo cáo dẫn lời Tổng Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, cho biết.
 Ngoại trưởng Anh lên tiếng về Hồng Kông.
"Bởi vậy, chúng ta cần quan sát nghiêm túc về tự do báo chí, trong đó có những lo ngại về tự kiểm duyệt (tại Hồng Kông)", báo cáo cho biết thêm. Ông Hague khẳng định London sẽ giám sát chặt chẽ tình hình và đánh giá "báo cáo về tự do báo chí" mà lãnh đạo Hồng Kông, Leung Chun-ying đưa ra.
Báo Anh cho rằng những điều báo cáo nói cho thấy Bắc Kinh đang kiểm duyệt gắt gao truyền thông Hồng Kông nhằm đè bẹp tiếng nói phản kháng đòi cải cách dân chủ tại đặc khu này. Hội Nhà báo Hồng Kông cũng cho biết tự do báo chí ở Hồng Kông đã bước vào thời kỳ đen tối nhất trong nhiều thập kỷ qua do chịu tác động từ Bắc Kinh.
Sở dĩ Bộ Ngoại giao Anh lên tiếng là vì nước Anh cảm thấy phải có trách nhiệm với vùng đất từng do họ quản lý. Hơn nữa, Anh cũng chịu giám sát xem Trung Quốc có thực hiện đúng những cam kết khi nhận Hồng Kông từ tay người Anh. Hiện Hồng Kông có không ít cư dân là người Anh gốc (gần 70.000 vào năm 2011).
Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Trước báo cáo của người Anh, Trung Quốc tỏ rõ sự bực bội. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói là 17 năm kể từ khi Hồng Kông trở về Trung Quốc đã cho thấy sự thành công của mô hình "một quốc gia, hai chế độ". "Người Anh cần phải có một sự hiểu biết sâu sắc và kiến thức về Hồng Kông cách đây 17 năm và bây giờ", ông Tần nói trong một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh.
"Hồng Kông là một phần của Trung Quốc nên không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Trung Quốc hy vọng các nước có liên quan hãy làm những việc có lợi cho sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông", ông Tần nói thêm.
Hồng Kông vốn là làng chài dưới thời Mãn Thanh. Sau khi trở thành thuộc địa của Anh năm 1840, Hồng Kông phát triển mạnh mẽ. Hồng Kông thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới trước khi trở lại Trung Quốc năm 1997.
Trung Quốc cũng hứa sau 20 năm tiếp nhận, sẽ cho Hồng Kông được dân chủ tự do không kém gì khi ở với Anh. Nhưng lời hứa đó nay theo gió bay, giờ Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm muốn áp đặt toàn diện lên Hồng Kông bất chấp ý nguyện của người dân.
Thậm chí, một số luận điệu từ Bắc Kinh cảnh báo rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng quân đội để bình định Hồng Kông, nếu người dân ở đây không "biết điều"!.
Theo Một Thế Giới