Quan hệ Mỹ-Trung đi về đâu sau vụ bắt “Công chúa Huawei“?

Google News

(Kiến Thức) - Sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn không thể hết căng thẳng cho tới khi hai bên cảm thấy sự việc này được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 1/12, bà Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ khi đang quá cảnh ở sân bay Vancouver (Canada). Vụ việc diễn ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina và đạt được thoả thuận “đình chiến thương mại” trong 90 ngày giữa hai nước.
Giới quan sát đã đưa ra những nhận định riêng của họ về vụ việc này tác động như thế nào đến mối quan hệ Mỹ - Trung. Họ cho rằng, vụ bắt giữ bà Mạnh là một cú giáng về ngoại giao, có thể giúp Mỹ thực hiện một số mục tiêu về an ninh quốc gia nhưng lại làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai giữa Bắc Kinh và Washington.
“Đây là sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Christopher Balding, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Fulbright bình luận.
Quan he My-Trung di ve dau sau vu bat “Cong chua Huawei“?
 Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Thậm chí Canada cũng đang bị lôi vào cuộc khủng hoảng này. Ảnh: HC.
Ngày 12/12, bà Mạnh Vãn Châu đã được toà án Canada cho phép trả tiền bảo lãnh để tại ngoại trong thời gian chờ phiên toà xét xử tiếp theo vào năm sau. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn chưa thể hết căng thẳng cho tới khi hai bên cảm thấy sự việc này được giải quyết một cách thỏa đáng.
Có thể thấy, lúc đầu, sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, Bắc Kinh tập trung sức ép vào chính phủ Canada nhưng lại có thái độ mềm mỏng với Washington, có lẽ vì không muốn làm ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn hơn với Mỹ.
Ngày 11/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ không nên "gây thêm thù" và cảnh báo nước này đừng "bắt nạt" công dân Trung Quốc sau vụ bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu. 
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ chống bà Mạnh Vãn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei của Trung Quốc, nếu vụ việc này phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, phản ứng của Trung Quốc vẫn còn kiềm chế, song trên các diễn đàn của truyền thông nước này đang xuất hiện nhiều đề xuất về các động thái đáp trả tiềm năng của Bắc Kinh nhằm vào Washington.
Theo CNN đưa tin, nhiều công ty trên khắp Trung Quốc đã ra thông báo kêu gọi các nhân viên của mình thể hiện sự ủng hộ với Tập đoàn Huawei, đồng thời đe dọa trừng phạt bất cứ cá nhân nào bị bắt gặp sử dụng các sản phẩm của Mỹ. 
Ông Rana Mitter, Giáo sư về lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, cảnh báo rằng hành động tẩy chay hàng hóa Mỹ có thể sẽ là khởi đầu cho một vụ biểu tình quy mô lớn.

Mời độc giả xem thêm video: Bà Mạnh Vãn Châu được phép trả tiền bảo lãnh để tại ngoại (Nguồn AJ)

Dù vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đến thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nó tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với quan hệ song phương. 
Chuyên gia Kerry Brown thuộc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Chatham House nhận định, Trung Quốc sẽ bắt đầu cảm thấy nước này đang trở thành một mục tiêu tấn công thiếu công bằng và có thể áp đặt một số biện pháp đáp trả Mỹ cứng rắn trong tương lai.
"Hai bên cần cực kỳ cẩn trọng khi giải quyết vấn đề vô cùng phức tạp này. Việc đối đầu kéo dài với Washington sẽ dẫn đến rắc rối cho Bắc Kinh", chuyên gia Henry Chan Hing Lee tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo.
Thiên An (Tổng hợp)