|
Quốc hội Hy Lạp đã phê chuẩn luật cứu trợ bao gồm các biện pháp kinh tế hà khắc.
|
Trước khi
Quốc hội Hy Lạp phê chuẩn luật cứu trợ hà khắc, những người phản đối đã ném bom xăng vào cảnh sát trong cuộc biểu tình chống lại biện pháp
thắt lưng buộc bụng và cảnh sát đã dùng hơi cay đáp trả.
Thủ tướng Alexis Tsipras trước đó nói ông không tin vào thỏa thuận này nhưng thúc giục các dân biểu thông qua những biện pháp đã thỏa thuận. Ông Tsipras nói ông sẽ chấp nhận việc thực hiện các đề xuất "vô lý" để tránh cho ngân hàng khỏi bị phá sản và thảm họa với Hy Lạp.
Trong bài diễn văn xúc động trước lúc bỏ phiếu, ông nói với quốc hội nước này: "Người Hy Lạp hoàn toàn biết và có thể hiểu sự khác biệt giữa những ai chống chọi trong một cuộc chiến không cân sức với những người chỉ muốn hạ vũ khí”.
Theo VOA, Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua luật cứu trợ bất chấp sự phản đối từ một số người có lập trường cứng rắn từ đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Tsipras.
Trong đó những người phản đối có Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulo, người dã rời phòng họp trước khi bỏ phiếu, và quay lại phát biểu lên án "một ngày rất đen tối cho dân chủ ở châu Âu".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần này chỉ trích đề xuất cứu trợ tài chính mà lãnh đạo các nước Eurozone đưa ra cho Hy Lạp.
IMF nói nợ công của Hy Lạp là “vô cùng khó hoàn trả” và nước này cần được xóa nợ.
IMF đã đưa ra một số phương án, trong đó có giảm nợ cho Hy Lạp, điều bị các chủ nợ chống kịch liệt.
Hôm thứ 13/7, giới lãnh đạo Khối sử dụng đồng euro (Eurozone) đã thông qua một thỏa thuận có điều kiện hỗ trợ tài chính lên tới 86 tỷ euro cho Hy Lạp trong vòng ba năm.
Thỏa thuận bao gồm yêu cầu tái sắp xếp lịch trả nợ của Hy Lạp "nếu cần thiết", nhưng không giảm nợ cho nước này.
Chính quyền Athens cần khoảng 7 tỷ euro để trả nợ trong tháng Bảy và thêm 5 tỷ khác vào tháng Tám, nhưng cũng đang chờ đợi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp để các ngân hàng có thể mở cửa trở lại.
Minh Châu (TH)