Quốc hội Mỹ chuẩn bị thông qua dự luật về an ninh biên giới

Google News

Nếu dự luật không được thông qua, khoảng 800.000 nhân viên liên bang đối mặt với nguy cơ nghỉ việc hoặc đi làm không lương.

Quốc hội Mỹ ngày 14/02 sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật về an ninh biên giới nhằm chấm dứt tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và tránh cho chính phủ liên bang phải đóng cửa thêm một lần nữa.
Dự luật sẽ được thông qua bằng hình thức bỏ phiếu tại cả Thượng viện và Hạ viện trước khi được trình lên Tổng thống Donald Trump ký duyệt thành luật.
Thông báo trên twitter ngày 14/02, Tổng thống Trump cho biết, ông và các cộng sự của mình đang xem xét dự luật này tại Nhà Trắng. Ông Donald Trump cũng chưa có bất kỳ thông báo nào cho thấy ông sẽ ký duyệt văn bản này mặc dù ông đã tuyên bố không muốn chính phủ phải đóng cửa.
Quoc hoi My chuan bi thong qua du luat ve an ninh bien gioi
 Tổng thống Donald Trump nói chuyện với các phóng viên tại cuộc họp nội các hôm 12/2. Ảnh: Getty.
Các nhà làm luật Mỹ ngày 13/02 đã hoàn thiện dự luật này với kinh phí 300 tỷ đô la cho bộ An ninh Nội địa và một loạt các cơ quan liên bang khác cho tới 30/09/2019. Dự luật không bao gồm số tiền 5.7 tỷ USD mà tổng thống Trump yêu cầu cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà chỉ có gần 1.4 tỷ USD để xây dựng gần 90 km hàng rào biên giới.
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnel gọi dự luật là một thỏa hiệp mà không bên nào coi là một thỏa thuận hoàn hảo tuy nhiên đây là một thành công của quá trình đàm phán giữa hai đảng. Ông McConnel cũng kêu gọi Tổng thống Trump ký duyệt. Theo ông McConnel, sau khi thông qua dự luật, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu tránh cho chính phủ phải đóng cửa với việc cung cấp ngân sách cho các cơ quan liên bang.
Trong khi đó, lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer gọi thỏa thuận này là một thỏa hiệp hợp lý. Theo ông Schumer, mặc dù thỏa thuận này không cung cấp kinh phí cho bức tường biên giới, văn bản này ủng hộ các sáng kiến củng cố an ninh biên giới và quan trọng nhất là tránh cho chính phủ phải đóng cửa.
Nếu dự luật không được thông qua, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa thêm 1 lần nữa vào ngày 16/02 và khoảng 800.000 nhân viên liên bang lại phải đối mặt với nguy cơ phải nghỉ việc hoặc đi làm không lương.
Theo Phạm Huân/VOV