Thông tin ban đầu từ cuộc điều tra vụ rơi máy bay của hãng hàng không Germanwings (Đức) khiến 150 người thiệt mạng cho thấy, buồng lái của máy bay đã bị khóa chặt khi cơ trưởng của chuyến bay ra ngoài. Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về việc cơ phó của 4U9525 đã cố tình thực hiện một vụ tự sát kéo theo sinh mạng của 149 người khác.
|
Một chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ Germanwings. |
Tuy nhiên, đây không phải trường hợp đầu tiên phi công tự sát trên thế giới.
Theo số liệu từ Cục hàng không liên bang Mỹ, trong 20 năm qua, đã có 24 phi công Mỹ dùng máy bay để tự sát, trong khi đó, trên thế giới có khoảng 23 vụ tự sát của các phi công quốc tế khi đang điều khiển máy bay.
Dựa trên kết quả khảo sát của tạp chí Aviation, Space and Environmental Medicine ngày 1/8/2014 về nguyên nhân của các vụ máy bay rơi, các điều tra viên cho rằng, yếu tố phi công tự sát chiếm 0,33%, tức là cứ 1.000 vụ máy bay rơi thì có khoảng 3 trường hợp là do phi công chủ ý. Tất cả trường hợp phi công tự sát này đều là đàn ông và trong độ tuổi trung niên.
Theo trang CareerCast.com, nghề phi công lâu nay luôn được xem là một trong những nghề áp lực nhất thế giới. Điều này càng dấy lên những mối quan ngại về việc các phi công lâu năm mắc các bệnh tâm lý, trầm cảm hoặc bất ổn về thần kinh dẫn đến quẫn trí và nảy sinh hành động tự sát trên máy bay, đe dọa sinh mạng nhiều hành khách. Trên thế giới đã có một số vụ cơ trưởng, cơ phó vì muốn tự sát đã kéo theo sinh mạng vô tội của hàng trăm người.
Ngày 26/9/1976, một phi công Nga đã ăn trộm một chiếc máy bay Antonov 2 và lái chiếc máy bay này đâm thẳng vào một khu dân cư ở thành phố Novosibirsk để tự sát. Vụ việc trên đã khiến 12 người tử nạn. Nguyên nhân khiến phi công này đột nhiên muốn tự sát được cho là vì những mâu thuẫn trong gia đình và cộng thêm việc anh này vừa ly dị vợ.
Ngày 21/8/1994, một chiếc máy bay ATR-42 của hãng Royal Air Maroc đã đâm xuống dãy núi Atlas chỉ ít phút sau khi cất cánh khỏi sân bay Agadir ở Morocco. Nguyên nhân của vụ việc được cho là cơ trưởng đã ngắt kết nối với chế độ bay tự động và cố tình lao thẳng máy bay xuống đất. Vụ tự sát này khiến 44 người có mặt trên chuyến bay tử nạn.
|
Một phi công của hãng Royal Air Maroc từng lái máy bay tự sát khiến 44 người thiệt mạng năm 1994. |
Ngày 19/12/1997, chiếc Boeing 737 mang số hiệu 185 của hãng hàng không Silk Air đang trên hành trình từ Jakarta tới Singapore đã lao xuống một con sống ở Indonesia khiến 104 người trên chuyến bay thiệt mạng. Các nhà chức trách Indonesia sau đó đã mời cả Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ vào cuộc để điều tra nguyên nhân sự việc.
Ủy ban này sau đó đã kết luận, nguyên nhân gây ra thảm kịch trên có thể là do cơ trưởng của máy bay đã cố tình tự sát. Theo dữ liệu hộp đen trong bản báo cáo điều tra, cơ trưởng của chuyến bay là ông Tsu Wai Ming hỏi cơ phó có muốn ăn bánh sandwich hay không, sau đó có tiếng động và cửa buồng lái đóng lại chứng tỏ có thể cơ phó đã ra khỏi buồng lái. Ít phút sau, máy bay đã rơi xuống sông.
|
Những mảnh vỡ còn lại của chiếc máy bay Boeing 737 hãng hàng không Indonesia Silk Air. |
Các nhà điều tra đã nhanh chóng lật lại lý lịch cơ trưởng của chuyến bay 737 và phát hiện trong cả năm 1997, ông Ming đã gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và tài chính, đặc biệt là 6 tháng cuối năm. Ngoài ra ông này còn bị nghi là mắc bệnh thần kinh nên đã có ý định tự sát.
Ngày 31/10/1999, chiếc Boeing 767 mang 990 của hãng hàng không Ai Cập Egypt Air cất cánh từ sân bay Kennedy ở New York, Mỹ đi Cairo, Ai Cập cùng 203 hành khách và 14 phi hành đoàn. Máy bay bay bình thường trong suốt nửa giờ đầu và đột ngột lao từ độ cao hơn 10.000 m xuống khoảng 5.000 m trong vòng nửa phút.
Ở độ cao hơn 5.000 m, chiếc Boeing 767 đã biến mất khỏi màn hình radar, các mảnh vỡ rơi xuống Đại Tây Dương một cách bí ẩn, cách đảo Nantucket thuộc bang Massachusetts khoảng 9.000 km về phía Nam. Toàn bộ 217 người có mặt trên chuyến bay đều thiệt mạng.
Theo kết luận của Ủy ban an toàn vận tải quốc gia Mỹ, cơ phó của chuyến bay 990 đã cố lao máy bay xuống biển để tự sát vì lý do cá nhân chưa được xác định. Kết luận trên dựa vào bản ghi âm trong buồng lái máy bay ghi lại việc cơ trưởng của chuyến bay đã hốt hoảng hỏi: "Chuyện gì vậy? Anh đã tắt động cơ phải không?", còn viên cơ phó lại liên tục lẩm nhẩm: "Tôi tin vào Chúa trời".
Tuy nhiên, các cơ quan điều tra Ai Cập lại cho rằng, thảm kịch xảy ra do sự cố kĩ thuật. Ngoài ra còn xuất hiện những giả thuyết cho rằng, tai nạn trên là âm mưu khủng bố nhằm ám sát 33 nhân viên thuộc Bộ tham mưu Ai Cập trên chuyến bay.
Ngày 29/11/2013, máy bay mang số hiệu TM470 của hãng hàng không Mozambique Airlines (LAM), cất cánh từ Maputo, Mozambique để đến thủ đô Luanda của Angola, thì đột ngột mất tích. Đến ngày 30/11/2013, xác máy bay mất tích được phát hiện tại ở nước Cộng hòa Namibia,. Tất cả 33 người trên máy bay thiệt mạng.
|
Xác của chiếc máy bay TM470 của hãng hàng không Mozambique Airlines ở cộng hòa Nambia. |
Theo kết quả của Cục hàng không dân dụng Mozambique, nguyên nhân xảy ra tai nạn trên có thể là do cơ trưởng Dos Santos Fernandes đã tự sát sau khi ông này tự khóa mình trong buồng lái, khiến cơ phó không thể vào bên trong. Cơ trưởng tiếp đó đã chuyển hướng máy bay, liên tục thay đổi độ cao rồi đâm xuống khu vực hẻo lánh ở Cộng hòa Namibia. Hiện nguyên nhân việc cơ trưởng này tự sát vẫn chưa được tiết lộ.
Theo Dân Việt