Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền tại Syria (SOHR), ngày 16/6, phi đội chiến đấu cơ Nga do Su-35 dẫn đầu đã bất ngờ xuất hiện phía trên căn cứ quân sự al-Tanf của Mỹ ở đông nam Syria.
"Các máy bay chiến đấu của Nga đã bay qua vùng cấm bay do Mỹ thiết lập quanh al-Tanf và vươn xa tới sát biên giới giữa Syria với Iraq và Jordan", SOHR cho biết trong tuyên bố hôm 16/6.
Hai chiếc F-22 bay cùng F-16 mang theo tên lửa đối không và bom.
Nguồn tin này cho biết thêm, điều đặc biệt trong chuyến bay của tiêm kích Nga qua al-Tanf là chúng được thực hiện ngay sau khi Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) tuyên bố triển khai tiêm kích thế hệ 5 F-22 đến Trung Đông nhằm ứng phó "hành động thiếu chuyên nghiệp" của chiến đấu cơ Nga.
"Máy bay F-22 được điều động tới khu vực hoạt động của CENTCOM, nằm trong hoạt động nhằm thể hiện khả năng tác chiến và hỗ trợ của Mỹ trong bối cảnh máy bay Nga tại khu vực hành động ngày càng thiếu chuyên nghiệp và gây mất an toàn", CENTCOM cho biết hôm 14/6.
CENTCOM không tiết lộ số lượng F-22 triển khai đến khu vực, chỉ công bố chúng thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 94 đóng tại bang Virginia. Hình ảnh do không quân Mỹ công bố cho thấy ít nhất hai chiếc F-22 bay theo đội hình cùng một số tiêm kích F-16C trang bị tên lửa đối không AIM-120, AIM-9X và bom dẫn đường.
Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ cũng không tiết lộ phi đội F-22 đóng quân ở đâu, nhưng phân tích hình ảnh cho thấy các tiêm kích tàng hình Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Muwaffaq Salti ở Jordan.
Đây là một trong những căn cứ chủ chốt của Mỹ trong khu vực, chuyên phục vụ các nhiệm vụ tại nước láng giềng Syria.
"Hành động gây mất an toàn và thiếu chuyên nghiệp của máy bay Nga không phải điều chúng tôi kỳ vọng ở một lực lượng không quân chuyên nghiệp.
Họ thường xuyên vi phạm các biện pháp giảm căng thẳng không phận được thống nhất từ trước, gây gia tăng nguy cơ leo thang hoặc tính toán sai", Michael Kurilla, Tư lệnh CENTCOM cho biết.
Dù lực lượng Nga tại Syria chưa có bình luận chính thức nào về tuyên bố triển khai F-22 của CENTCOM nhưng theo SOHR, việc cả phi đội chiến đấu cơ Su-35 bất ngờ xuất hiện ngay trên al-Tanf đã cho thấy thông điệp rõ ràng của Moscow.
Ngay từ năm 2019, Mỹ và Nga đã thống nhất quy tắc sử dụng không phận Syria nhằm tránh các sự cố ngoài ý muốn có thể làm gia tăng căng thẳng. Hai bên đồng ý không bay qua đầu lực lượng của nhau, nhất là với máy bay mang vũ khí.
Tuy nhiên, Tướng không quân Mỹ Alexus Grynkewich cho biết tiêm kích Nga mang vũ khí nhiều lần bay qua al-Tanf, tăng đáng kể hiện diện so với những tháng trước đó.
"Họ thường xuyên bay ngay trên đầu các đơn vị Mỹ, được mô tả là vùng trời trong bán kính 1,5 km quanh căn cứ. Đây là tình huống rất khó chịu", ông nói.
Quân đội Mỹ hiện triển khai lượng nhỏ binh sĩ tại Syria để hỗ trợ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ, vốn do lực lượng người Kurd kiểm soát.
Có khoảng 700 lính Mỹ đóng ở căn cứ al-Shaddadi, gần thành phố Hasakah, đông bắc Syria và 200 binh sĩ đồn trú tại căn cứ al-Tanf gần biên giới Syria - Jordan.
Trong khi Mỹ tuyên bố sự hiện diện quân đội nước này tại tất cả các căn cứ ở Syria chỉ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của IS nhưng cả Damascus và Moscow đều cáo buộc đây là đồn trú bất hợp pháp và chỉ nhằm mục đích khai thác dầu mỏ của Damascus.
Theo Tiến Thành/ Giáo dục Thời đại