Đầu năm 2020, quản lý một ngân hàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhận được cuộc gọi từ khách hàng lâu năm - vị giám đốc công ty mà ông từng tiếp chuyện. Người đàn ông này thông báo tin vui về việc công ty của ông ta sắp thực hiện một thương vụ mua lại quan trọng và cần ngân hàng phê duyệt chuyển khoản số tiền 35 triệu USD càng sớm càng tốt.
Khách hàng nói thêm rằng công ty ông đã thuê một luật sư tên là Martin Zelner để xử lý thương vụ. Các thông tin cần thiết đều được gửi tới email.
Quản lý ngân hàng nhận ra giọng nói của vị giám đốc, bởi trước đó hai người họ từng trò chuyện. Đồng thời cũng kiểm chứng tất cả những gì khách hàng vừa nói. Đây cũng là lúc vị quản lý phạm phải sai lầm đắt giá nhất sự nghiệp.
Người quản lý tin chắc rằng mọi thứ đều hợp pháp và bắt đầu thực hiện các giao dịch chuyển tiền mà không ngờ được bản thân vừa trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo công nghệ cao đầy phức tạp.
|
Quản lý ngân hàng không hề hay biết bản thân bị lừa. Ảnh: B_A/Pixabay |
Trên thực tế, người mà ông vừa nói chuyện qua điện thoại đã sử dụng "deepvoice", công nghệ dùng AI và các thuật toán phức tạp để sao chép giọng nói của khách hàng thực sự, khiến bất kỳ ai cũng không thể phân biệt đó là giả.
Giới chức UAE sau đó phải liên hệ tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà điều tra Mỹ, bởi 400.000 USD (hơn 9 tỷ đồng), một phần trong số tiền bị trộm dường như đã được chuyển vào các tài khoản của Ngân hàng Centennial có trụ sở tại nước này.
Thông tin vụ trộm không được tiết lộ nhiều. Các nhà chức trách UAE tin rằng kế hoạch phức tạp trên liên quan đến ít nhất 17 người và số tiền lấy trộm đã được gửi đến các tài khoản trên khắp thế giới. Điều này khiến việc truy tìm và thu hồi trở nên đặc biệt khó khăn.
Tính đến ngày 18/10, cả Văn phòng Công tố Dubai và luật sư người Mỹ được những kẻ lừa đảo nhắc đến, Martin Zelner, đều chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Đây là vụ trộm ngân hàng thứ hai có liên quan đến công nghệ "deepvoice" sau trường hợp đầu tiên xảy ra vào năm 2019. Các chuyên gia tội phạm mạng cảnh báo rằng đây mới chỉ là khởi đầu, bởi cả công nghệ "deepfake video" và "deepvoice" đều đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và tội phạm đang tìm cách tận dụng chúng.
"Giả mạo âm thanh dễ dàn dựng hơn video. Nhiều doanh nghiệp có khả năng trở thành nạn nhân của những cuộc trò chuyện đầy sức thuyết phục", chuyên gia an ninh mạng Jake Moore nói. "Chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ những kẻ xấu biết cách sử dụng công nghệ cao để thao túng những người ngây thơ không biết về 'deepfake'".
Nguyễn Nguyễn (Theo Odditycentral)