Sau tuyên bố sẽ nghỉ hưu vào giữa tháng 7, phóng viên kỳ cựu Nick Ut - tác giả "Em bé napalm" bắt đầu cho những hành trình khắp thế giới. Ông khẳng định “chỉ nghỉ việc ở cơ quan gắn bó mấy chục năm qua là AP, chứ không phải nghỉ hưu với nghề ảnh”.
Buổi trò chuyện giữa ông Nick Ut và phóng viên Zing.vn diễn ra khi ông vừa trở về nhà sau chuyến tác nghiệp tại vùng cháy rừng dữ dội ở bang California.
Câu chuyện xoay quanh những ký ức và kinh nghiệm của Nick Ut khi tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam, giai đoạn mà ông “vào sinh ra tử” nhiều lần và cũng mang lại cho ông tiếng tăm trong sự nghiệp.
Chấp nhận cái chết bất cứ lúc nào
- Một phóng viên chiến trường khi sắp ra thực địa cần trang bị những gì cho việc tác nghiệp cũng như bảo đảm an toàn bản thân?
- Điều đầu tiên là người phóng viên phải chuẩn bị máy móc, ống kính để bảo đảm tác nghiệp trong môi trường như chiến trường. Sau đó, phóng viên phải tuân thủ những quy định để bảo vệ an toàn cho bản thân, như mặc áo phòng vệ, đội nón sắt bảo hộ… Cần thể hiện rõ bản thân là phóng viên (có thể qua trang phục) để người lính biết mình đang làm công việc gì mà không bắn nhầm.
Tuy nhiên, trong tình huống xung đột, quân sĩ 2 bên có lúc sẽ không thể phân biệt anh là phóng viên hay người của phe đối phương. Tôi cho rằng đây chỉ là tai nạn, chứ không ai nhắm bắn nếu biết rõ đó là phóng viên.
|
Phóng viên ảnh Nick Ut khi tác nghiệp trong giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: AP |
Mà tai nạn là điều chắc chắn phải lường trước và chấp nhận khi đã bước ra chiến trường. Khi ở khoảng cách xa, người ta sẽ không phân biệt được, chẳng hạn không biết rõ anh đang cầm súng hay cầm máy ảnh.
So với thời tôi còn là phóng viên chiến trường, bản chất các cuộc chiến hiện nay, như ở Iraq, Afghanistan hay Syria, rất khác với chiến tranh Việt Nam.
Mọi người đều đã biết một số vụ phóng viên phương Tây khi đến tác nghiệp ở các vùng này đã bị phiến quân bắt. Họ bị đưa ra làm con tin để đòi tiền chuộc, hoặc thậm chí bị hành quyết.
Nhiều đồng nghiệp của tôi đã hy sinh trong lúc tác nghiệp ở chiến trường Iraq và Afghanistan. Cách đây 2 năm, một nữ đồng nghiệp của tôi tại hãng AP khi đang hoạt động tại Iraq thì bất ngờ bị bắn chết trong lúc đang ngồi trên taxi.
Cho nên tôi nghĩ rằng khi đã quyết định trở thành phóng viên chiến trường, cũng là chấp nhận mọi rủi ro sẽ xảy đến với mình. Năm xưa tôi không lường trước được những điều có thể xảy ra, và thực tế là tôi đã 3 lần suýt chết.
Có những lần các bên bắn đạn pháo ngay trước mắt tôi; có lần xe chở tôi cán mìn nhưng may là nó không phát nổ, chứ nếu không thì tất cả mọi người đều đã tan xác; hoặc khi tôi đi chung trực thăng với một nhóm binh sĩ để tác nghiệp thì súng phòng không bắn rất sát phi cơ. Trong những lần như vậy, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.
Qua những lần như vậy, tôi nghĩ mình vẫn còn sống đến ngày nay chính là nhờ may mắn quá lớn.
- 3 lần suýt chết của ông xảy ra như thế nào?
- Đó là 2 lần ở chiến trường bên Campuchia, và một lần ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Chuyện ở Trảng Bàng xảy ra khoảng một tháng sau khi chụp hình cô Kim Phúc, tôi tìm về nhà của cô bé lại đúng lúc có giao tranh.
Một quả pháo rơi rất gần nơi tôi đang đứng. Tôi bị thương ở đùi, vết thương khá nặng, máy ảnh bể tan nát. Một đồng nghiệp phải kéo tôi vào ngôi chùa gần đó để sơ cứu.
Chỉ vài phút sau, một quả pháo khác rơi cách địa điểm ban đầu chưa đến 1 thước. Nếu không được đưa đi sớm hơn, chắc tôi đã mất mạng.
Tuy tôi may mắn nhiều lần thoát chết, nhưng không ít lần tận mắt chứng kiến đồng nghiệp qua đời ngay bên cạnh mình. Một trong những ký ức đau buồn này xảy ra khoảng tháng 2/1975, khi tôi và anh đồng nghiệp tên Ước đang dùng cơm trưa trong lúc đưa tin về tình hình ở tỉnh Quảng Ngãi. Bất ngờ anh ấy bị trúng đạn lạc từ sau lưng ghim vào ngực.
Anh ấy cộng tác tự do cho hãng AP và là đồng nghiệp rất thân với tôi. Từ lúc chuyện xảy ra cho đến khi đưa thi thể anh về quê hương an táng, tâm trí tôi luôn trĩu nặng. Nhưng rồi cũng phải vượt qua nỗi buồn để tiếp tục công việc của mình.
|
Nick Ut bên tấm ảnh Em bé napalm phơi bày hiện thực khốc liệt của chiến tranh ở Việt Nam đánh dấu cột mốc lớn trong sự nghiệp của ông. Ảnh: Vice |
- Sau những lần suýt chết, ông có nghĩ đến việc thôi nghề?
- Khi đó, tôi còn trẻ và luôn nghĩ rằng đời người thì trước sau rồi cũng phải chết, nên bỗng nhiên tôi không hề sợ hãi cái chết. Bị thương phải nằm viện, nhưng khi ra viện vẫn cố gắng để trở lại chiến trường.
Rất nhiều phóng viên nước ngoài lúc đó đến đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam, có thể nói là cả thế giới chú ý đến Việt Nam. Tôi tự nhủ bản thân là người Việt Nam thì phải cố gắng đưa ra thế giới những diễn biến đang xảy ra trên chính quê hương mình, qua góc nhìn của người Việt Nam.
Thật ra, sau khi anh tôi thiệt mạng trên chiến trường, gia đình cũng khuyên tôi đừng tiếp tục công việc, vì lo sợ sẽ mất cả tôi. Ngay cả khi tôi mới vào làm ở AP, nhiều đồng nghiệp cũng bố trí các việc để tôi không phải ra hiện trường, do họ hiểu hoàn cảnh gia đình tôi khi đó.
Nhưng rồi họ cũng bị ý chí của tôi thuyết phục. Tôi trấn an mọi người là bản thân sẽ hết sức cẩn thận, dù trong bụng cũng biết đạn pháo nó không tránh mình, mà mình phải tìm cách tránh nó.
Câu chuyện từ ảnh
- Theo ông, cần thể hiện nội dung gì, cảm xúc thế nào trong những bức ảnh chiến trường?
- Điều đầu tiên là bức ảnh phải kể được câu chuyện lớn. Chẳng hạn với một vụ nổ bom ở khu chợ tại Iraq khiến hàng chục người chết thì đây là thời sự lớn nhất trong thời điểm đó mà không thể bỏ qua.
Theo quan điểm của tôi thì tôi sẽ chú trọng những tình tiết nhiều cảm xúc, như các nạn nhân bị thương thì họ được những người dân xung quanh băng bó, giúp đỡ ra sao; nỗi đau tột cùng khi mất người thân. Trẻ em cũng là một đối tượng đặc biệt được quan tâm trong hoàn cảnh chiến sự.
Tôi không chú ý nhiều quá đến những xác chết, vì báo chí thế giới hiện nay cũng không muốn đăng nhiều hình ảnh thi thể trừ phi nó mang một ý nghĩa chấn động.
- Hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhắc đến Nick Ut là vẫn nhắc đến bức ảnh “Em bé napalm”. Ông nghĩ thế nào khi những nỗ lực, tác phẩm khác của mình không thể vượt qua sự nổi tiếng của “Em bé napalm”?
- Giá trị lâu dài của tấm ảnh chính là qua thảm kịch xảy ra với Kim Phúc đã nói lên những hậu quả mà chiến tranh gây ra. Qua đó giúp mọi người quý trọng hòa bình hơn, không chỉ riêng với Việt Nam mà là cả thế giới. Với ý nghĩa như vậy, tôi tin rằng sức sống của tấm ảnh sẽ còn lâu dài.
Khi chuyển sang Mỹ làm việc, tôi chụp rất nhiều thể loại. Quả thực, tôi đang phấn đấu để có thể đoạt thêm một giải ảnh báo chí nữa trước khi tôi chết.
Bây giờ tôi cũng lớn tuổi. Nhiều người bạn cũng bảo Nick Ut đã có tác phẩm để đời, mọi người đều biết Nick Ut là ai cũng như biết đến tấm hình "Em bé napalm", cần gì phải phấn đấu nữa. Nhưng máu nghề nghiệp vẫn thôi thúc tôi. Hơn hết, tôi muốn mang thêm một danh dự nữa về cho Việt Nam, được đoạt giải với tư cách là người Việt Nam.
- Phần lớn những tấm ảnh đoạt giải ở những giải báo chí uy tín như Pulitzer đều mang chủ đề chiến tranh, thảm họa…
- Ảnh chiến tranh không phải là chủ đề duy nhất trong các tác phẩm đoạt giải nổi tiếng. Như giải ảnh báo chí của Pulitzer năm nay là về chủ đề người tị nạn, do vấn đề người nhập cư từ Trung Đông đang là điểm nóng thời sự lớn của thế giới. Rất nhiều tấm ảnh cảm động, chạm đến lòng người về chủ đề người tị nạn.
Quả thực, khi xem những tấm hình này, tôi có động lực rất lớn và muốn hòa mình vào các đồng nghiệp ngay lập tức để tìm hiểu thảm cảnh của những người tị nạn.
Năm ngoái, tôi đến thăm những trại tị nạn ở Berlin (Đức). Họ tụ tập ở đây rất đông. Nhưng thực sự cảm xúc từ các bức ảnh tại khu vực này không mạnh như khi chụp dòng người vượt biên trên biển.
Cả chục, trăm người vượt biển trên những chiếc xuồng, ghe nhỏ xíu, quyết tâm tìm đến vùng đất mới. Khi đó, họ không thể giấu được cảm xúc trên khuôn mặt. Các bức ảnh đoạt giải của các đồng nghiệp đã hoàn toàn phản ánh được bi kịch của những người tị nạn.
Trách nhiệm bấm máy
- Theo ông, sau khi chụp xong một nhân vật thì phóng viên có nên tiếp tục liên quan đến hoàn cảnh, cuộc đời của nhân vật đó hay không?
- Bên cạnh vai trò phóng viên, tôi nghĩ chúng ta cần phải thể hiện lương tâm. Như năm xưa sau khi tôi bấm vội để chụp Kim Phúc chạy ra từ vùng bị đánh bom, điều đầu tiên tôi nghĩ là mình phải cứu cô bé và giúp đưa em đến bệnh viện. Hoặc khi tác nghiệp ở những vùng bị bão lụt, tôi thấy nhiều hoàn cảnh cần hỗ trợ thì tôi cũng giúp đỡ họ vài phần, như thuốc men chẳng hạn.
Khi nói chuyện với các phóng viên trẻ, tôi luôn cố gắng truyền đạt tinh thần trách nhiệm sau khi bấm máy, qua câu chuyện với Kim Phúc. Mình không thể bỏ đi được. Kể cả sau khi đã đưa Kim Phúc đến bệnh viện để điều trị, tôi và cô bé vẫn giữ liên lạc đến tận ngày nay. Hai chú cháu vẫn duy trì mối quan hệ rất thân tình.
Nếu hoàn cảnh nhân vật quá đặc biệt, tôi nghĩ cần hỗ trợ trong một chừng mực nào đó với tư cách giữa người với người. Một trường hợp khác như phóng viên ảnh Steve McCurry với tấm ảnh cô gái mắt xanh Afghanistan với đôi mắt xanh ám ảnh người xem.
Một thời gian dài sau khi chụp ảnh, McCurry đã trở lại Afghanistan để tìm lại cô bé này. Cô gái đã trưởng thành nhưng có hoàn cảnh rất vất vả, đó là tình hình chung của người dân Afghanistan. Do vậy, ông quyết định hỗ trợ một khoản tiền nhỏ hàng tháng và duy trì đến tận nay.
Phóng viên tự do và rủi ro ở chiến trường Trung Đông
- Hãng AP chuẩn bị cho phóng viên khi ra chiến trường như thế nào?
- Khi tôi còn hoạt động ở chiến trường Việt Nam, AP luôn trang bị đầy đủ cho các phóng viên, bao gồm bảo hiểm, thậm chí cả tiền hỗ trợ cho gia đình nếu chẳng may mình thiệt mạng; máy móc; thẻ tác nghiệp; chế độ nghỉ ngơi sau mỗi lần ra hiện trường…
- Nhưng hiện nay phần lớn phóng viên phương Tây ở Trung Đông là những người cộng tác tự do và không có được nhiều hỗ trợ như vậy từ các tòa soạn?
- Tất cả những phóng viên tự do đều đã được đào tạo về báo chí hẳn hoi cả, họ nắm được nguyên tắc tác nghiệp. Theo tôi nhẩm tính thì mỗi người trước khi hành nghề cần vốn chuẩn bị ít nhất 20.000 USD để mua máy ảnh và ống kính, laptop, thiết bị kết nối mạng, xe để di chuyển; mà chủ yếu là tiền cho dụng cụ chụp. Vì các phóng viên ảnh tự do bên Mỹ cộng tác với rất nhiều cơ quan, chụp đa dạng các thể loại như thể thao, tin tức thời sự…
Thực tế hiện nay là nhiều hãng thông tấn lớn hạn chế cử phóng viên chính thức đến các vùng này, vì lo ngại rủi ro xảy đến với nhân viên của họ. Các hãng chủ yếu cộng tác với những thông tín viên tự do, mà lực lượng này thì rất đông. Do vậy, các phóng viên tự do này hoạt động rất vất vả.
Họ phải tự chuẩn bị mọi thứ, bao gồm máy móc (với chi phí rất đắt, có thể đến vài chục nghìn USD), mà cũng phải chấp nhận rằng nếu chuyện không may xảy ra thì họ có thể bị mất tất cả, bao gồm tính mạng.
Đã có nhiều thống kê về những trường hợp nhà báo thiệt mạng ở chiến trường. Tôi nghĩ những người đã chọn dấn thân như vậy thì lửa nghề nghiệp của họ rất lớn. Nếu tôi còn trẻ, chắc tôi cũng sẽ xông pha theo như vậy.
Nếu một người muốn đến chiến trường Syria, tôi sẽ không ngăn cản vì đó là quyết định của anh ta. Nhưng tôi sẽ tư vấn những kinh nghiệm để bảo đảm an toàn bản thân. Như anh cần tìm kiếm những mối quan hệ ở địa phương sẵn sàng giúp đỡ về đường đi nước bước, tốt nhất là phóng viên bản địa. Hoặc anh cần tìm hiểu và xin đi theo những quân đoàn nào có nhiều thành tích thắng trận. Như vậy ít ra mình cũng được bảo đảm phần nào.
- Vì sao nhiều phóng viên phương Tây bất chấp nguy hiểm để tìm đến chiến trường Trung Đông?
- Chính phủ Mỹ thực ra đã khuyến cáo công dân không nên đến các vùng chiến sự, hoặc phải hết sức cẩn thận khi đã đến đây. Tôi biết nhiều phóng viên trẻ muốn khẳng định tên tuổi trong nghề, và chọn cách là lao vào điểm nóng, những vùng nguy hiểm. Họ hoàn toàn nhận thức về những rủi ro có thể xảy ra, nhưng họ vẫn quyết định mạo hiểm.
Như ngày xưa khi tôi còn trẻ thì tôi nói thật là cũng không sợ chết, chỗ nào tôi cũng đi! Nhưng bây giờ, sau vài chục năm và đã có gia đình rồi thì tôi phải cẩn thận hơn.
Hơn nữa, không cứ chỉ là chụp chiến trường thì mới có những tình huống nguy hiểm. Như tôi vừa chụp bộ ảnh về cháy rừng ở California. Những bức hình này tôi đều chụp ở khoảng cách gần ngoài việc kết hợp ống kính tele. Ôtô của tôi cũng suýt bị cháy, do tốc độ gió quá lớn, có thể đến mấy chục cây số/giờ, khiến lửa lan rất nhanh. Có khi mới đây lửa còn ở xa nhưng nó tiến đến gần mình rất nhanh, rất nguy hiểm.
- Nhiều phóng viên tự do khác lại chọn trở thành các tay săn ảnh ngôi sao, paparazzi, vì có thể mang lại thu nhập cao. Ông nghĩ như thế nào?
- Nghề paparazzi cũng vất vả vì họ phải canh và theo chân những ngôi sao liên tục. Nghề này ngày xưa có thể kiếm được nhiều tiền lắm, nhưng nay thì hiếm. Bởi vì những ngôi sao tên tuổi, đại minh tinh thì phần lớn đều đã qua đời. Còn các ngôi sao ngày nay thì không có ai đủ sức tạo ra sự ảnh hưởng lớn như thế hệ trước.
Khi Michael Jackson còn sống, một người bạn của tôi đã chụp được khoảnh khắc tóc của anh ta bị cháy trong lúc quay quảng cáo cho Pepsi. Tấm hình này khi đó được chào mua với giá gần 1 triệu USD.
Hoặc khi có tin Michael đột ngột qua đời, một phóng viên khác chạy sát theo đoàn xe chở thi thể và chụp được thi thể của Michael Jackson. Tấm hình này chụp bằng điện thoại di động thôi, nhưng cũng được mua với giá khoảng 800.000 USD. Thực ra phần lớn những cơ hội như vậy là may mắn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì cũng không có hãng nào dám bỏ ra số tiền quá lớn như vậy để mua ảnh nữa.
Tôi nghĩ, nếu đã quyết theo đuổi nghề ảnh thì phần lớn chính là xuất phát từ đam mê, chứ không thể giàu nổi với nó. Những người giàu có thì chắc là họ có đầu óc kinh doanh và làm giàu từ những lĩnh vực khác, chứ không phải với nghề ảnh.
- Kế hoạch của ông sau khi nghỉ hưu như thế nào?
- Tôi sẽ chính thức nghỉ việc ở AP từ tháng 3/2017. Tôi sẽ không làm toàn thời gian nữa, có thể cũng sẽ mở rộng để cộng tác với các hãng khác chứ không nhất thiết chỉ là AP nữa. Dù người quen ở AP có thể sẽ "trách móc". Nhưng đó cũng là một cách để tôi thay đổi cuộc đời sau 51 năm.
Khi nghỉ hưu, tôi sẽ dành thời gian cho những công việc khác như đi du lịch, đi nói chuyện, trở về Việt Nam tham gia những khóa đào tạo. Nhưng tôi không từ bỏ nhiếp ảnh. Tôi rất mê nghề này và sẽ theo đuổi nó đến khi nào qua đời thì thôi. Tôi cũng rất hy vọng và nỗ lực để đoạt thêm một giải báo chí nữa trước khi nhắm mắt.
>>> Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Zing News