Theo một tài liệu lọt vào tay báo Politico, Liên minh châu Âu (EU) đang nhắm tới mục tiêu "nhận diện các cách thức tăng cường truy tìm, xác định, đóng băng và quản lý tài sản như những bước sơ bộ cho quá trình tịch thu tiềm năng". EU đang hướng sự chú ý tới các tài sản đang bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như tài sản của những người Nga trong danh sách trừng phạt, trị giá tổng cộng gần 300 tỷ USD.
Hội đồng châu Âu tháng trước từng nhắc Ủy ban châu Âu trình bày “các tùy chọn phù hợp với luật pháp EU và quốc tế”, nhằm sử dụng các khoản tiền bị đóng băng của Nga “để tái thiết Ukraine”.
Các chuyên gia pháp lý đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đơn phương tịch thu tài sản của một quốc gia khác theo luật pháp quốc tế hiện hành. Brussels đã đề xuất coi việc trốn tránh lệnh trừng phạt là hành vi phạm tội ở EU. Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận đó sắp đạt được, liên minh sẽ phải khởi kiện từng vụ riêng lẻ, chứng minh mối liên hệ giữa chủ tài sản với chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Theo tài liệu lọt vào tay Politico, Ủy ban châu Âu thừa nhận các tài sản của ngân hàng trung ương “thường có quyền miễn trừ”. Mặc dù việc tịch thu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tránh vi phạm quyền miễn trừ đó “về nguyên tắc”, nhưng ủy ban lưu ý họ sẽ “cần chứng minh mối liên hệ đầy đủ với Nhà nước Nga” đối với mọi trường hợp.
Một biện pháp khác là áp “thuế xuất cảnh” với tài sản của cá nhân bị trừng phạt, đang cố gắng chuyển tài sản của họ ra khỏi EU. Tuy nhiên, giáo sư Stephan Schill thuộc Đại học Amsterdam nói, những cá nhân đó có thể tuyên bố, quyền không bị phân biệt đối xử và quyền sở hữu tài sản của họ đã bị xâm phạm.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng thừa nhận, việc tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga “không được pháp luật cho phép ở Mỹ” hay nhiều quốc gia khác.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet