Theo ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, hiện Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang theo dõi chặt chẽ tình hình và quan ngại trước con số thương vong trong 2 vụ tấn công Đại sứ quán Pháp và một sở chỉ huy quân sự tại Burkina Faso.
|
Lực lượng chức năng Burkina Faso điều tra tại hiện trường vụ tấn công ở Ouagadougou ngày 2/3. |
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đã điện đàm ngắn với Tổng thống Burkina Faso Roch Marc Christian Kabore, đồng thời đề nghị đại diện đặc biệt của Văn phòng Liên hợp quốc tại Tây Phi và Sahel, ông Mohammed Ibn Chambas, nhanh chóng đến Burkina Faso nhằm thể hiện tình đoàn kết với chính phủ và người dân nước này.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ tình đoàn kết của AU với chính phủ và nhân dân Burkina Faso trong giai đoạn khó khăn này. Ông Mahamat nhấn mạnh các vụ tấn công này là một minh chứng nữa cho thấy hiểm họa của khủng bố ở Sahel, cũng như sự cần thiết của việc cộng đồng quốc tế duy trì ủng hộ đối với nỗ lực của các nước trong khu vực, đặc biệt là Lực lượng chống khủng bố chung Sahel G5.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Burkina Faso Roch Marc Christian Kabore khẳng định Burkina Faso một lần nữa lại trở thành mục tiêu tấn công của "các thế lực đen tối."
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Kabore, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án các vụ tấn công và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định Paris vẫn thực thi hoàn toàn các cam kết đối với khu vực, nơi khoảng 4.500 binh sỹ Pháp đang đồn trú tại đây như một phần của lực lượng chống khủng bố kể từ khi nước này can thiệp, tấn công các tay súng ở Mali hồi năm 2013.
Trước đó, sáng 2/3, các tay súng đeo mặt nạ đã tiến hành một vụ tấn công liều chết bằng bom xe vào sở chỉ huy quân sự ở thủ đô Ouagadougou. Vụ nổ bên trong sở chỉ huy đã làm rung chuyển các tòa nhà xung quanh, khiến trụ sở này bốc cháy. Cùng lúc đó, 5 đối tượng có vũ trang xông ra từ một ôtô đã nổ súng vào người qua đường trước khi hướng về Đại sứ quán Pháp, cách sở chỉ huy quân sự bị tấn công khoảng 2km.
Hiện vẫn còn tranh cãi về con số thương vong chính thức. Bộ trưởng An ninh Burkina Faso Clement Sawadogo cho biết ít nhất 8 thành viên của lực lượng vũ trang đã thiệt mạng và 80 người bị thương sau vụ tấn công vào sở chỉ huy quân sự và Đại sứ quán Pháp. 8 kẻ tấn công đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, 3 nguồn tin an ninh, 2 ở Pháp và 1 ở Tây Phi đã thông báo với hãng tin AFP rằng đã có ít nhất 28 người thiệt mạng riêng trong vụ tấn công vào sở chỉ huy quân sự.
Các nguồn tin Pháp cho biết không có thương vong xảy ra với công dân Pháp trong 2 vụ tấn công này, đồng thời cho biết tình hình tại Ouagadougou đang trong tầm kiểm soát. Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian, thiệt hại tại Đại sứ quán Pháp không đáng kể và các nhân viên ngoại giao tại đây sẽ trở lại hoạt động bình thường trong 2-3 ngày tới.
Theo Chính phủ Burkina Faso, mục tiêu của vụ đánh bom liều chết nhằm vào sở chỉ huy quân sự có thể là cuộc họp của Lực lượng chống khủng bố chung Sahel G5. Ban đầu cuộc họp này được lên kế hoạch tổ chức tại sở chỉ huy song đã rời sang nơi khác.
Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận tiến hành các vụ tấn công trên song giới chức Burkina Faso khẳng định đây là một vụ tấn công khủng bố.
Trong những năm gần đây, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã tăng cường các vụ tấn công nhằm vào các thành phố chính ở khu vực Tây Phi, trong đó có các vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở Mali, Burkina Faso, Côte D'Ivoire và Niger. Tháng 8/2017, các phần tử cực đoan đã tấn công vào một nhà hàng trên đại lộ chính ở thủ đô Ouagadougou, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, 21 người bị thương.
Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công trên. Trước đó, nhánh khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công nhằm vào một nhà hàng và khách sạn ở thủ đô Ouagadougou hồi tháng 1/2016, khiến 30 người thiệt mạng, trong đó có 6 công dân Canada và 5 người châu Âu.
Theo TTXVN/Vietnam Plus