Quay trở lại thời điểm 1-11, khi ông Shinzo Abe chính thức tái đắc cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, Thủ tướng Abe khi đó cam kết sẽ giải quyết hai vấn đề mà ông gọi là hai cuộc khủng hoảng quốc gia, đó là: mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên và tình trạng dân số lão hóa.
Mặt khác, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (tính từ 29-8 đến 15-9) Bình Nhưỡng đã phóng hai quả tên lửa đạn đạo bay xuống vùng lãnh hải và bay qua các đảo của Nhật Bản, gây đe dọa cho an ninh nước này.
|
Xe tăng và xe bọc thép của Nhật Bản tham gia một buổi tập trận hàng năm gần Núi Phú Sĩ tại trường đào tạo Higashifuji ở Gotemba, phía tây Tokyo, Nhật Bản ngày 24-8. Ảnh: REUTERS / Issei Kato / File Photo |
Do đó, không chỉ nằm ở một lời cam kết, Thủ tướng Shinzo Abe đã hiện thực hóa điều này bằng thông báo: Ngân sách quốc phòng Nhật Bản cho năm tài khóa 2018, bắt đầu từ ngày 1-4 năm sau, là 5,19 nghìn tỷ yên (45,76 tỷ USD), tăng 1,3% so với năm ngoái. Đây là lần thứ 6 ngân sách quốc phòng Nhật Bản tăng liên tục trong những năm qua.
Đáng chú ý nhất là khoản chi lên tới 137 tỷ yên để tăng cường phòng thủ chống lại nguy cơ tấn công từ tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, trong đó bao gồm việc mua hệ thống đánh chặn tầm xa SM-3 Block IIA, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài không gian, nâng cấp tên lửa Patriot và triển khai xây dựng 2 trạm radar Aegis Ashore trên mặt đất.
“Chúng tôi cần phải có những thiết bị đời mới nhất và đủ khả năng nhất để tăng cường khả năng phòng thủ”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Intsunori Onodera khẳng định.
|
Những người lính đi bộ dọc theo các bệ phóng tên lửa tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo năm 2016. Ảnh: Toshifumi Kitamura |
Nhật Bản cũng sẽ chi 2,2 tỷ yen để bắt đầu mua các tên lửa hành trình tầm trung không đối đất có khả năng tấn công các mục tiêu ở Triều Tiên, nhằm ngăn chặn bất cứ âm mưu tấn công tiềm tàng nào từ nước này.
Nhật Bản cũng có kế hoạch phân bổ 279 tỷ yen để mua thiết bị quốc phòng thông qua hệ thống bán hàng quân sự nước ngoài của Mỹ, tăng 15% so với ngân sách hiện tại và gấp hơn hai lần so với năm tài khóa 2014.
Việc Nhật Bản mạnh tay chi cho ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 cũng được giới quan sát nhật định một phần do tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm đến Nhật Bản hồi tháng 11 vừa qua, theo đó ông chủ Nhà Trắng đã kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe mua thêm vũ khí của Mỹ nhằm đóng góp nhiều hơn vào hoạt động phòng vệ chung trước các mối đe dọa trong khu vực, và chủ động hơn trong việc bảo vệ đất nước mình.
Ngoài ra, không thể tránh khỏi yếu tố tiềm tàng “chạy đua vũ trang” tại châu Á vì mối lo tên lửa Triều Tiên. Trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi cuối tháng 7 am kết tăng ngân sách quốc phòng của nước này từ mức 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 2,9% trong vòng 5 năm tới (tăng từ mức khoảng 40.300 tỷ won (35,9 tỷ USD) hiện nay lên tới 50.000 tỷ won vào năm 2022), Nhật Bản càng tăng thêm áp lực phải tăng cường năng quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia và khu vực cũng như vị thế quốc phòng mình.
Song một thực tế là việc chi tiêu để mua các thiết bị từ Mỹ đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định quốc phòng Nhật Bản buộc phải cắt giảm các chương trình quốc phòng trong nước, bao gồm việc chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến F-3.
Theo An Nhiên/CAND