Vào cuối tháng 6 năm 2019, Trung Quốc đã công bố bản Lưu ý đến các phi công (NOTAM), cảnh báo về các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của nước này ở những khu vực khác nhau trên biển Đông, trong đó có một vùng trải dài từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, và một khu vực khác được khoanh vùng phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|
Thế hệ tên lửa chống hạm mới của Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Vào 1.7 vừa qua, 2 viên chức chính phủ Mỹ cho biết trên NBC News rằng bộ phận tình báo của nước này đã nhận thấy “một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc trên biển Đông.”
Đây là một minh chứng tiêu biểu nhất cho việc Trung Quốc cuối cùng cũng đang dần tiến tới việc thử nghiệm kho tên lửa đạn đạo trên đất liền đang lớn mạnh của nước này, những thứ được chế tạo để có thể đe dọa các loại tàu biển với khoảng cách lên tới hàng nghìn km.
Từ những năm 1960, mối đe dọa chống hạm chủ yếu thường đến từ các loại tên lửa hành trình, thứ vũ khí chống hạm thường bay theo phương ngang cách mặt biển vài mét. Đa số các loại tên lửa hành trình chỉ có tốc độ nhanh hơn một chút so với máy bay thường, dù cũng có một số loại như Kalibur hay Brahmos lại có vận tốc nhanh gấp nhều lần so với vận tốc âm thanh, và còn có khả năng né tránh để hạ thấp nguy cơ bị đánh chặn.
So với các loại tên lửa hành trình tầm thấp, chậm, và tương đối kín đáo, các loại tên lửa đạn đạo chống hạm (ABM), thường bay cao, nhanh và khá lộ liễu. Dù có thể được phát hiện tương đối dễ dàng bởi radar hoặc các bộ cảm biến trên vệ tinh, song ABM lại có vận tốc gấp 5 đến 10 lần vận tốc âm thanh khi lao xuống từ tầng bình lưu.
Hơn nữa, trong khi một số tên lửa hành trình chỉ có thể tấn công tàu biển từ khoảng cách tầm vài trăm km, các loại ABM dòng DF - 21D và DF – 26B của Trung Quốc lần lượt có tầm bay lên tới 1500 và 3200 km, lớn hơn cả quãng đường bay liên tục không cần nạp nhiên liệu của các phi cơ trên tàu sân bay Mỹ.
Tại hội chợ hàng không tổ chức ở thành phố Châu Hải năm 2018, một nhà sản xuất tên lửa của Trung Quốc cũng đã trình làng loại tên lửa ABM tầm ngắn CM401, có thể mang được lên xe tải hoặc chiến hạm. Loại tên lửa này có tầm bắn chính thức khoảng 289km với vận tốc 1372m/s, dù một số nhà quan sát nghi ngờ tầm bắn của nó thực chất còn lớn hơn thế.
Hầu hết các loại chiến hạm hiện nay đều không có các loại tên lửa đánh chặn đủ nhanh và cao để thích hợp cho việc phòng thủ trước ABM. Dù vậy, mới đây Hải quân Mỹ đã phát triển và triển khai các loại tên lửa SM-3 và SM-6 lên các tàu khu trục và tuần dương của mình nhằm ngăn chặn sự công phá của loại tên lửa trên.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều thách thức trong việc khai thác phạm vi đe dọa lớn của các loại ABM tầm xa. Đầu tiên, chúng phụ thuộc vào khả năng nắm bắt và thông báo lại về vị trí của mục tiêu, thứ đòi hỏi một bộ trang thiết bị theo dõi hàng hải được vận hành trơn tru, bao gồm các vệ tinh, máy bay trinh sát, cảm biến tàu ngầm và hơn thế nữa, để hình thành một "trận pháp" liên kết với bệ phóng tên lửa. Trung Quốc dù cũng đang nỗ lực phát triển và triển khai các vệ tinh, máy bay và hệ thống giám sát dưới biển như trên, nhưng đó không phải là một lộ trình dễ dàng.
Bản thân các loại ABM cũng cần có khả năng dò tìm và triển khai của riêng mình, để có thể tự điều chỉnh hướng tấn công vào một tàu chiến trên mặt biển có khả năng di chuyển từ 22 đến 30 hải lý.
Về lý thuyết, các loại ABM đều được gắn hồng ngoại hoặc radar dò đường, cùng các loại vây cơ động được thiết kế để cho phép dò tìm các mục tiêu đang di chuyển. Nhưng trên thực tế, không rõ các loại ABM của Trung Quốc đã được thử nghiệm lên các mục tiêu này hay chưa.
Dù vậy, cường độ các cuộc thử nghiệm như vậy đã và đang ngày một gia tăng. Vào năm 2013, ảnh chụp từ vệ tinh có vẻ đã cho thấy Lực lượng Hỏa tiễn thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã triển khai bắn thử tên lửa DF-21D lên một mục tiêu có kích cỡ tương đương một tàu sân bay tại Mông Cổ, với chỉ 2 lần phóng là đủ để quét sạch tàu sân bay bằng bê tông có chiều dài 200m này.
Sau đó vào năm 2017, các loại tên lửa DF- 21D và DF - 26B được cho là đã được thử nghiệm trên biển Bột Hải.
Vào tháng 1 năm 2019, Bắc Kinh tuyên bố nước này đã tái điều động các đơn vị tên lửa DF – 26B trên bộ tới vùng Nội Mông và Tây Tạng để “phản ứng lại” việc tàu khu trục McCampbell của Mỹ đi qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái trên cho thấy quân đội Trung Quốc đã có thể di chuyển các loại tên lửa chống hạm của mình vào sâu trong đất liền mà vẫn có thể de dọa các tàu chiến của Mỹ, vốn chưa đủ phạm vi bắn trả trong thời điểm đó. Việc tận dụng lợi thế về địa hình của Trung Quốc cũng khiến cho các thiết bị giám sát như “mò kim đáy bể” khi cố xác định mục tiêu bắn trả. Điều này gợi nhớ đến Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, khi lực lượng liên quân cũng rất ít khi thành công trong việc bắn hạ các bệ phóng tên lửa Scud di chuyển cơ động trên sa mạc tại Iraq.
Cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Trung Quốc được triển khai nhằm thực hiện 2 mục đích, vừa giúp quân đội Trung Quốc đánh giá hiệu quả thực sự của các loại ABM đối với các mục tiêu trên biển, vừa gửi lời cảnh báo đến các đối thủ tiềm tàng trên Biển Đông rằng tàu chiến của họ đều vô hại trước khả năng tấn công từ các tên lửa của Trung Quốc, kể cá khi cách lãnh thổ nước này đến hàng trăm km.
Hiện vẫn chưa rõ các tên lửa thể hiện tốt đến đâu trong cuộc thử nghiệm mới đây, liệu chúng đã được thử nghiệm với các mục tiêu được gia cố hoặc có khả năng di chuyển chưa, hay khả năng hoạt động xa hoặc gần của chúng sẽ ra sao trong thực chiến. Nhưng trên thực tế, những cuộc thử nghiệm này cho thấy quân đội Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong việc phát triển khả năng thực chiến của ABM, để đưa mọi tàu biển vào tầm ngắm kể cả khi chúng đang ở một khoảng cách rất xa so với đường bở biển của nước này.
Theo Việt Anh/Dân Việt