Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 14/3 tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4. Nội các mới của nước Đức cũng có cuộc họp đầu tiên, chấm dứt thế bế tắc trên chính trường Đức gần 6 tháng sau cuộc bầu cử quốc gia. Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, Bà đầm thép" Merkel của nước Đức sẽ đối mặt với không ít thách thức trong việc chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
|
Giới quan sát nhận định, "Bà đầm thép" Merkel của nước Đức sẽ đối mặt với không ít thách thức trong việc chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Ảnh: NPR. |
Thủ tướng Merkel cùng các Bộ trưởng đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội liên bang với sự có mặt của các nghị sĩ Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện). Những ưu tiên cho chính phủ mới sẽ bao gồm các chính sách mới về người tị nạn và các cải cách Liên minh châu Âu. Đối với vấn đề trong nước, chính phủ mới cam kết không tăng thuế, xây dựng 1 triệu 500 nghìn ngôi nhà mới….
Phát biểu khi nhậm chức, Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ nỗ lực vì một nước Đức thịnh vượng: “Tôi sẽ nỗ lực hết sức phụng sự người dân Đức, tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ người dân khỏi những tổn hại, tuân theo và bảo vệ hiến pháp, luật liên bang, thể hiện trách nhiệm của tôi một cách tận tình và tạo ra công bằng cho tất cả người dân”.
Với 3 nhiệm kỳ liên tiếp và là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất tại châu Âu, Thủ tướng Merkel luôn dẫn dắt nước Đức là đầu tàu kinh tế của châu Âu và giữ vững ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, vượt qua mọi cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhiệm kỳ thứ 4 của bà cũng sẽ đối mặt với không ít sóng gió cả trong nội bộ chính trường nước Đức cũng như chính sách đối ngoại.
Một sự thỏa hiệp giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) để thành lập “Đại liên minh” có quan điểm chính trị đối lập là một tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định, cái bắt tay giữa CDU/CSU và SPD là một "cuộc hôn nhân không tình yêu", là lựa chọn ít rủi ro nhất và để tiến tới một Đại liên minh được cả châu Âu mong đợi như này thì "Mỗi người đã phải đưa ra những thỏa hiệp đau đớn”.
Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội bầu Thủ tướng Merkel vào nhiệm kỳ 4 hôm qua cho thấy, có tới 35 nghị sĩ các đảng trong liên minh cầm quyền bỏ phiếu phản đối việc bổ nhiệm bà Merkel, cho thấy nữ Thủ tướng Đức sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ nhiều khó khăn phía trước.
Trong khi đó, với 94 ghế, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu trở thành đảng dẫn đầu lực lượng đối lập tại Quốc hội Liên bang Đức. Đảng này cam kết sẽ thúc đẩy lập trường cứng rắn trong vấn đề di cư, an ninh quốc gia và chính trị tại châu Âu, kéo theo sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường cũng như trong xã hội Đức.
Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng phải tìm ra những giải pháp lâu dài cho sự nổi lên của quyền chủ nghĩa dân tộc và cuộc tranh luận về sự bất bình đẳng xã hội gia tăng trong nền kinh tế đang bùng nổ của Đức.
Trong chính sách đối ngoại, thách thức trước mắt của Thủ tướng được cho là đảm bảo được quyền miễn trừ cho nước Đức cũng như cả châu Âu trong chính sách áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ, thúc đẩy các cải cách cơ cấu của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Merkel trong nhiệm kỳ thứ 4 này dự kiến là Pháp, nơi bà sẽ thảo luận về kế hoạch cải cách Liên minh châu Âu (EU) với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước hội nghị thượng đỉnh EU vào 22-23/3 tới.
Theo Phạm Hà/VOV.VN