Theo lịch dự kiến nhiều tháng nay thì Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp thượng đỉnh một đối một tại Geneva (Thụy Sĩ) vào hôm nay, 16-6.
Bối cảnh đầy thách thức
Quan hệ hai nước xuống dốc không phanh kể từ sau lần Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014 và Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống nước mình năm 2018. Gần đây phía Mỹ liên tiếp đưa ra nhiều cáo buộc rằng Nga đứng sau các sự cố tấn công mã độc nhằm vào các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ, đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny, ủng hộ bạo lực với người biểu tình Belarus…
|
Sự kiện thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) đang rất được chúý. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES |
Ông Biden đã nói ông muốn có một quan hệ ổn định hơn và dễ đoán hơn với Nga sau cuộc gặp với ông Putin. Phần mình, ông Putin muốn thấy Nga được các nước nhìn nhận như một cường quốc thế giới.
Vài ngày trước hội nghị, cả ông Putin và ông Biden đều có chung đánh giá rằng quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp. Trong bối cảnh này, cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin với cương vị là tổng thống hai nước rất được chú ý, theo đài NPR.
Phía Nga vốn đã chuẩn bị sẵn suy nghĩ rằng ông Biden sẽ còn rắn với Nga hơn người tiền nhiệm Donald Trump, do thế nên chuyện ông Biden đồng ý gặp thượng đỉnh sớm ông Putin sau vài tháng nhậm chức được Nga đánh giá là tín hiệu tích cực, theo NPR. Nga đã rất giận dữ sau khi ông Biden gọi ông Putin là “kẻ giết người” trong một lần trả lời phỏng vấn đài ABC News hồi tháng 3. Khi ông Biden đề xuất gặp thượng đỉnh ông Putin thì điện Kremlin nhận xét rằng ông Biden đang “cố gắng bù đắp”.
Trong khi đó, tại Mỹ có nhiều ý kiến chỉ trích việc ông Biden quyết định gặp ông Putin không có điều kiện. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, chỉ trích việc này giống như Mỹ đã đồng ý với dự án Nord Stream 2 và hợp pháp hóa các hành động của ông Putin.
Tuy nhiên, với Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki thì “đây là cách hoạt động ngoại giao, chuyện gặp gỡ lãnh đạo các nước có bất đồng thật sự quan trọng, như chúng ta làm với lãnh đạo Nga”. Ông Eric Green, Giám đốc phụ trách các vấn đề về Nga và Trung Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cũng tin rằng sự gắn kết giữa các nhà lãnh đạo với nhau, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp thế này, là điều không thể thiếu và không có gì thay thế được.
Với mức độ căng thẳng cao như vậy, lý do gì cuộc gặp vẫn diễn ra và có thể chờ đợi điều gì từ cuộc gặp này? Cả điện Kremlin và Nhà Trắng đều xem cuộc gặp thượng đỉnh này là cơ hội để hai tổng thống vạch ra hướng quản lý quan hệ khó khăn giữa hai nước trong bốn năm tới.
Foreign Policy nhận định dù nghi ngờ nhau sâu sắc nhưng cả Mỹ và Nga đều phải miễn cưỡng thừa nhận cả hai cần thiết phải hợp tác để ngăn thảm họa xảy ra. Ông Green nhắc đến thực tế Mỹ và Nga vẫn là hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nhì thế giới, và đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này đồng nghĩa dù có muốn hay không thì hai nước vẫn phải hợp tác với nhau cùng đối phó các thách thức cốt lõi diễn ra trên toàn cầu.
“Sự ổn định chiến lược”
Đài NPR cho biết cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Mỹ hy vọng rằng sau cuộc gặp hai tổng thống sẽ vạch ra được “sự ổn định chiến lược” trong hành động. Người phát ngôn điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh rằng “sự ổn định chiến lược” là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh lần này.
Sự ổn định chiến lược có tầm quan trọng rất lớn đến các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, kiểm soát vũ khí, an ninh mạng. Ưu tiên ngay lập tức của hai nước là sửa chữa lại quan hệ ngoại giao. Sau phát ngôn “kẻ giết người” mà ông Biden dành cho ông Putin, Nga triệu hồi đại sứ tại Mỹ về nước và yêu cầu đại sứ Mỹ tại Moscow rời Nga, cuộc chiến ngoại giao bắt đầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có trao đổi với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về khả năng làm hòa nhưng cả hai vẫn đang chờ quyết định của hai tổng thống về quan hệ ngoại giao hai bên, theo NPR.
Quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Giám đốc chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Viện Vì an ninh Mỹ mới - bà Andrea Kendall Taylor cho rằng cần thiết phải có sự ổn định chiến lược để ngăn các hiểu lầm về gián điệp mạng hay tấn công mạng leo thang đến mức xung đột vũ trang hay xung đột hạt nhân. Bà cảnh báo rằng các sự cố nhỏ có thể sẽ leo thang rất nhanh dẫn đến việc viện tới vũ khí hạt nhân, vì thế cần phải có quy tắc hành động.
Theo ông James Acton, đồng Giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Mỹ), chuyện thương lượng kiểm soát vũ khí giữa hai nước đã khó sẽ ngày càng khó hơn nếu hai nước không có “sự ổn định chiến lược”.
Dự kiến cuộc gặp một đối một này sẽ kéo dài và căng thẳng. Tuần trước đài CNN đưa tin rằng hai ông sẽ không họp báo chung. Tuy nhiên, theo Foreign Policy, nhiều chuyên gia Nga vẫn chờ xem với hy vọng hai ông sẽ họp báo chung cũng như thống nhất tuyên bố chung về quan hệ ngoại giao và kiểm soát vũ khí. Theo bà Angela Stent - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á - Âu, Nga và Đông Âu tại ĐH Georgetown (Mỹ), khả năng sẽ có “một thỏa thuận đưa tới các cuộc đối thoại về sự ổn định chiến lược”. Trong khi đó ông Dmitri Trenin - Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga - chuyên nghiên cứu chính sách) dự đoán kết quả khả dĩ nhất từ cuộc gặp là sự làm rõ của hai bên về “các lằn ranh đỏ thật sự của họ nằm ở đâu”.
Ông Biden tham vấn quan chức thời ông Trump trước khi gặp ông Putin
Theo nguồn tin của trang tin Axios, trước cuộc gặp với ông Putin, ông Biden đã họp với một nhóm chuyên gia về Nga khoảng 10 người. Bên cạnh các nhân vật từng làm dưới thời Tổng thống Barack Obama như Giám đốc cấp cao về Nga thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Eric Green, hai cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul và John Tefft, nhóm này còn có một số nhân vật từng làm việc thời Tổng thống Donald Trump. Trong số này có bà Fiona Hill - cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách các vấn đề của Nga và châu Âu, hiện làm việc tại Viện chính sách Brookings.
Cuộc họp diễn ra suôn sẻ, không xảy ra bất đồng. Nhóm chuyên gia đã bàn và đưa ra nhiều lời khuyên cho ông Biden trong giao tiếp với ông Putin - vốn được biết là người chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước các cuộc gặp quan trọng dạng này và có khả năng “thống trị căn phòng”, như lời cựu đại sứ McFaul. Cũng nhóm chuyên gia này đã đề nghị ông Biden không họp báo chung với ông Putin.
Theo Đăng Khoa/Pháp luật TP.HCM