Tiêm kích Su-27 Nga lại rượt đuổi máy bay Mỹ trên Biển Đen

Google News

Hôm 29/1, chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã đánh chặn máy bay do thám EP-3 Aries của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đen, nối dài một loạt các vụ chạm trán gần đây giữa hai bên trên vùng biển này.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một chiếc tiêm kích Su-27 chặn máy bay do thám Mỹ EP-3 Aries trong không phận quốc tế ở biển Đen hôm 29/1.
Lầu Năm Góc chỉ trích vụ chặn máy bay là “không an toàn”, trong khi Moscow đáp lại rằng họ đã đưa ra “tất cả biện pháp đề phòng cần thiết” để tránh dẫn đến tình huống nguy hiểm, tin từ Sputnik.
Bà Michelle Baldanza – phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói rằng chiến đấu cơ Nga bay cách máy bay Mỹ chỉ 1,5 m và còn bay cắt ngang qua đường bay của EP-3, buộc chiếc EP-3 Aries phải đổi hướng và kết thúc nhiệm vụ sớm hơn so với kế hoạch.
Bà Baldanza thêm rằng đây là vụ việc không an toàn bởi tiêm kích Su-27 của Nga đã bay cắt ngang qua đường bay của chiếc Aries, làm nó rơi vào tình trạng hỗn loạn.
 Chiếc máy bay do thám EP-3E Aries của hải quân Mỹ.
Ngoài ra, lực lượng hải quân Mỹ ở Âu-Phi cũng đưa ra cáo buộc tương tự. “Vào ngày 29-1-2018, một máy bay EP-3 Aries của Mỹ đang bay trong không phận quốc tế ở biển Đen thì bị một tiêm kích Su-27 của Nga chặn lại. Vụ việc được xác định là không an toàn do chiếc Su-27 bay chỉ cách máy bay Mỹ 1,5 m và còn bay cắt ngang qua đường bay của chiếc EP-3. Vụ việc kéo dài trong 2 giờ 40 phút”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng Moscow đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết nhằm tránh gây ra tình huống nguy hiểm trong suốt thời gian tiến hành chặn chiếc máy bay do thám.
“Tổ bay của Su-27 nhận diện một máy bay do thám của Mỹ và đã bám theo sau đó. Tiến hành chặn chiếc Aries xâm phạm không phận Nga nhưng đồng thời cũng quan sát các biện pháp an ninh cần thiết”, Bộ này khẳng định.
“Tiêm kích Su-27 hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế về sử dụng không phận. Không có tình huống bất thường nào xảy ra trong quá trình chặn máy bay” – thông cáo nói thêm.
Sputnik cho biết vụ việc diễn ra trong vùng trời quốc tế ở biển Đen, chỉ cách không phận Nga vài km. Cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lẫn Nga đều tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này.
Vụ việc tương tự giữa hai nước diễn ra gần đây nhất là hồi tháng 12/2017 ở không phận Syria. Khi đó hai tiêm kích F-22 của Mỹ đã chặn các chiến đấu cơ Su-25 của Nga. Giống như vụ việc lần này, cả Washington và Moscow đều đưa ra các thông báo trái ngược. Mỹ nói họ tiến hành chặn vì chiếc Su-25 nhiều lần bay qua tuyến đường bay giảm căng thẳng, trong khi Nga tuyên bố các chiến đấu cơ nước này không hề làm như vậy và chiếc F-22 chặn Su-25 là bất hợp pháp.
Theo Ngọc Như/Báo Pháp luật TP.HCM