Xuất hiện trên chương trình truyền hình mang tên “Hãy đợi tôi!” phát sóng ngày 16/4 vừa qua, Wu Jiayu (31 tuổi) – một phụ nữ trẻ ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã òa khóc nức nở sau khi tìm thấy em trai thất lạc suốt gần 3 thập kỉ qua.
Theo lời kể của Wu Jiayu, em trai bị bắt cóc vào mùa hè năm 1990, tại nhà ga Wuchang khi mới 2 tuổi. Không lâu sau đó, cha mẹ Wu quyết định gửi con gái cho ông bà, bỏ việc và lên đường tìm kiếm con trai.
|
Wu Jiayu òa khóc ôm chặt em trai trên truyền hình hôm 16/4. |
Họ đã đi rất nhiều nơi và viết rất nhiều về sự đau khổ của mình. “Yanyan (tên con trai – PV) yêu quý của mẹ! Mẹ lúc nào cũng mơ về con, nhưng con đang ở đâu? Hãy nhớ gương mặt mẹ, mẹ chắc chắn sẽ tìm ra con” – mẹ của Wu Jiayu viết trong nhật kí.
Cha mẹ Wu đã nỗ lực tìm kiếm kẻ bắt cóc con trai mình trong suốt 2 năm nhưng thất bại. Nỗi đau của cặp vợ chồng quá lớn khiến họ không thể chịu nổi và quyết định tự sát.
Wu Jiayu mất cha mẹ khi mới 6 tuổi, cô luôn biết rằng ước muốn của cha mẹ mình vẫn chưa được thực hiện. Wu giữ lại cuốn nhật kí của mẹ và quyết tâm tìm bằng được em trai.
Năm 2015, Wu đăng tải thông tin về ADN của mình lên trang web chính thức của cơ quan an ninh dành cho những người thất lạc thân nhân.
Trong khi đó, em trai của Wu Jiayan đã được đổi tên thành Lin Yihui sau khi bị bán sang tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Trung Quốc. Lin Yihui từng nhiều lần nghi ngờ về sự khác biệt ngoại hình giữa mình và các anh chị em trong gia đình mới. Do đó, chàng trai trẻ cũng quyết định đăng tải thông tin về ADN của mình lên mạng, cùng thời điểm với Wu Jiayu.
Dù ADN của Wu và Lin có nhiều điểm tương đồng, nhưng công nghệ hiện tại vẫn chưa cho phép cung cấp thông tin chính xác về quan hệ họ hàng nếu chỉ xét nghiệm mẫu ADN của anh chị em.
Sau một thời gian đấu tranh tư tưởng quyết liệt, Wu đã quyết định nhờ cảnh sát quật mộ của cha mẹ mình để lấy mẫu ADN. Kết quả xét nghiệm cho thấy Lin chính là người con đã thất lạc từ lâu của gia đình Wu.
Khi biết kết quả, Wu Jiayu nói trong nước mắt: “Em trai của chị, cuối cùng chị cũng đã tìm thấy em. Chị sẽ đưa em đến thăm mộ của bố mẹ và nói với họ rằng em đã trở về. Giờ bố mẹ có thể yên nghỉ mà không nuối tiếc.”
Theo Minh Hạnh/Tiền Phong