Đài RT dẫn thông báo từ Bộ Năng lượng Nga ngày 21-9 (giờ địa phương) cho biết các hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel thương mại sẽ bị tạm dừng từ ngày 22-9 (giờ địa phương) nhằm mục đích ổn định thị trường nội địa. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ các biện pháp hạn chế này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Lệnh cấm được thực hiện ra sao?
Bộ Năng lượng Nga cho biết lệnh cấm được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát giá cả nhiên liệu đang tăng cao ở nước này, đồng thời ngăn chặn các hành vi trốn thuế, không báo cáo thuế xuất khẩu của một số doanh nghiệp.
|
Một nhà máy lọc dầu của Công ty Gazpromneft (Nga) ở thủ đô Moscow hồi tháng 7. Ảnh: AFP |
Thông báo cũng nêu một số trường hợp được miễn trừ khỏi lệnh cấm. Cụ thể, các hoạt động xuất khẩu nhiên liệu từ Nga sang các quốc gia thành viên khác thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan vẫn sẽ được tiếp tục. Bên cạnh đó, các hoạt động vận chuyển nhiên liệu phục vụ mục đích viện trợ nhân đạo, vận chuyển nhiên liệu là hàng hóa của các quốc gia đi qua Nga, vận chuyển nhiên liệu tới các cơ sở quân sự và khoa học Nga ở nước ngoài cũng thuộc diện miễn trừ.
Nga mạnh tay kiểm soát thị trường nhiên liệu
RT cho biết trong những tháng gần đây, giá xăng và diesel trên thị trường Nga đã tăng kỷ lục. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Nga cho thấy giá bán lẻ hai nhiên liệu này đã tăng 9,4% trong giai đoạn từ đầu năm đến ngày 18-9. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng đề cập vấn đề này với nội các và cho rằng các cơ quan quản lý đã không ứng phó kịp thời trước những thay đổi trên thị trường toàn cầu, dẫn đến giá nhiên liệu tăng.
Kể từ năm ngoái, Nga đã nhiều lần ban hành những động thái nhằm ổn định thị trường nhiên liệu, chẳng hạn tăng khối lượng giao dịch khí đốt và dầu diesel tối thiểu cho một lần giao dịch trên sàn giao dịch xăng dầu và kiểm soát việc mua nhiên liệu của các nhà sản xuất nông nghiệp nhằm điều chỉnh khối lượng kịp thời. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev hồi đầu tháng này đã từng đề xuất tạm thời cấm xuất khẩu nhiên liệu ở mọi lĩnh vực để tránh “thảm họa” trong mùa thu hoạch này.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Nga chia sẻ thị trường nhiên liệu Nga đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chi phí bảo trì tại các nhà máy lọc dầu gia tăng, tắc nghẽn đường sắt và sự suy yếu của đồng rúp.
Tờ The Moscow Times dẫn dữ liệu khác từ Sở giao dịch chứng khoán London, Nga đã cắt giảm xuất khẩu dầu diesel và dầu khí bằng đường biển gần 30% xuống còn khoảng 1,7 triệu tấn trong 20 ngày đầu tháng 9 so với cùng kỳ tháng 8.
Giới chuyên gia nói gì?
Trả lời tờ Financial Times, chuyên gia Helima Croft thuộc Công ty Tài chính RBC Capital Markets (Canada) cho biết tuy Moscow có thể đang gặp một số vấn đề về nguồn cung trong nước về ngắn hạn, việc cắt giảm xuất khẩu là dấu hiệu “điện Kremlin sẵn sàng vũ khí hóa nguồn cung dầu để chống lại phương Tây”.
“Nga vẫn muốn phá vỡ quyết tâm ủng hộ Ukraine của phương Tây. Mục tiêu của Nga dường như là đợi đến năm sau và xem tác động của động thái của họ ảnh hưởng ra sao đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ” - bà Croft nói.
Các ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vì giá nhiên liệu tăng cao, với ông Donald Trump cáo buộc chính quyền ông Biden “bỏ bê” ngành nhiên liệu trong nước. Ông Trump cho biết sẽ buộc Ukraine đàm phán với Nga nếu ông đắc cử.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế năm ngoái cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga đã sản xuất “gần gấp đôi lượng dầu diesel cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước và thường xuất khẩu một nửa sản lượng hằng năm của họ”.
Theo Công ty Phân tích dữ liệu vận tải hàng hóa Kpler (Pháp), Nga hiện là nước xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và trước thời điểm nổ ra xung đột với Ukraine, Nga là nước xuất khẩu dầu diesel lớn nhất sang Liên minh châu Âu (EU). EU và Mỹ phần lớn đã cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga kể từ tháng 2 năm nay, buộc Moscow phải chuyển hướng bán sang Thổ Nhĩ Kỳ và các nước ở Bắc Phi và Mỹ Latinh.
Nhóm G7 cũng đã cố gắng áp đặt giới hạn giá đối với doanh số bán dầu của Nga, trong khi các nước phương Tây đã tăng nhập khẩu dầu diesel từ Ấn Độ và Trung Đông. Tuy nhiên, doanh số bán nhiên liệu đã qua lọc của Nga, đặc biệt là dầu diesel, vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung dầu toàn cầu. Theo Kpler, vào tháng 8, Nga đã xuất khẩu hơn 30 triệu thùng dầu diesel và gasoil (một sản phẩm chưng cất trung gian được sử dụng cho nhiên liệu diesel) bằng đường biển.•
Giá dầu thế giới tăng sau lệnh cấm từ Nga
Theo trang tin OilPrice, trong phiên giao dịch ngày 22-9, giá dầu thế giới tăng nhẹ do thị trường tình trạng nguồn cung thắt chặt sau lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga. Cụ thể, giá dầu Brent lên mức 93,26 USD/thùng, tăng 0,94%. Giá dầu WTI ở mức 90,82 USD/thùng, tăng 1,29%.
Trước đó, giá dầu đang trong đà suy giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5 %. Tuy nhiên, Fed vẫn có kế hoạch tăng lãi suất hơn nữa dự kiến vào cuối năm.
Theo Vĩ Cường/Pháp luật TP HCM