Tổng thống Trump bị “dồn vào thế bí” sau bầu cử Quốc hội Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội 6/11 vừa qua, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường chính trị trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ 6/11 đã khép lại với kết quả mà Tổng thống Trump không hề mong muốn khi Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong hai năm cuối nhiệm kỳ. 
Với đa số thành viên trong Hạ viện, Đảng Dân chủ có quyền thông qua hoặc bác bỏ bất cứ điều luật nào mà Tổng thống Trump đặt ra.
Và điều này đặc biệt quan trọng đối với chi tiêu ngân sách. Dự luật chi ngân sách muốn được ban hành buộc phải thông qua cả Hạ viện và Thượng viện. Ngoài ra, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, nỗ lực của Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm các chương trình nội địa như an ninh xã hội, hoặc chi tiền cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico có thể bị ngăn chặn.
Tong thong Trump bi “don vao the bi” sau bau cu Quoc hoi My?
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Mashable. 
Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ bãi bỏ và thay thế đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare của người tiền nhiệm Barack Obama, thậm chí nỗ lực đưa đạo luật mới ra trước Thượng viện năm 2017, nhưng chưa thành công.
Nếu sau cuộc bầu cử ngày 6/11, Đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện, nỗ lực bãi bỏ Obamacare của ông Trump có thể sẽ thuận lợi hơn nhiều và đạo luật thay thế có thể được thông qua ngay trong năm tới. Tuy nhiên, điều đó đã không trở thành hiện thực.
Thậm chí, Đảng Dân chủ cũng có thể khởi động quá trình luận tội Tổng thống Trump và yêu cầu ông Trump công khai hồ sơ thuế...
Không chỉ gặp khó khăn trong nước, Tổng thống Trump chắc chắn cũng sẽ bị "gây khó dễ" rất nhiều về các chính sách đối ngoại.
Theo hãng thông tấn Reuters, Đảng Dân chủ sẽ tập trung vào cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và liệu Tổng thống Trump có mối liên hệ nào với Moscow hay không. Hạ viện sẽ gây áp lực lên Tổng thống Trump, buộc ông phải ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Moscow.
Về chính sách đối với Saudi Arabia sau cái chết của nhà báo Khashoggi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi đầu tháng 10/2018, sau khi nắm quyền kiểm soát Hạ viện, Đảng Dân chủ có thể sẽ ngăn chặn các thỏa thuận vũ khí của Washington với Riyadh và xem xét các biện pháp ngăn chặn việc Mỹ hỗ trợ chiến dịch của nước này ở Yemen.

Mời độc giả xem thêm video về cựu Tổng thống Obama trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (Nguồn: NBC News)

Về Triều Tiên, các nghị sĩ Dân chủ cho biết họ sẽ tập trung vào việc thu thập thông tin về các cuộc gặp giữa ông Trump cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un.
Còn với Trung Quốc, chính sách của Mỹ với quốc gia Châu Á này được dự báo là không có nhiều thay đổi bởi nhiều thành viên Đảng Dân chủ, trong đó có nghị sĩ Adam Schiff, cũng từng công khai ủng hộ cách đối phó của Tổng thống Trump với Bắc Kinh. Cuộc chiến thương mại của Mỹ và Trung Quốc có thể còn kéo dài.
Liệu các nghị sĩ Dân chủ có thể làm “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi đảng này giành lại Hạ viện hay không chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm.
Theo Reuters, mặc dù phe Dân chủ thực sự tức giận sau khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, nhưng có lẽ họ sẽ không thể làm gì để thay đổi chính sách này của ông Trump chừng nào các thành viên Đảng Cộng hòa còn ở lại Nhà Trắng.
Trong khi đó, việc thắt chặt mối quan hệ với Israel vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai đảng.
Thiên An (T.H)