Báo The New York Times hôm 11-11 bình luận trong lễ kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất diễn ra tại Paris - Pháp, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump một lần nữa được khơi lại sau khi ông đi lối riêng tới đài tưởng niệm Arc de Triomphe để tránh mưa và không đi cùng các nhà lãnh đạo quốc tế khác. Vài phút sau, Tổng thống Vladimir Putin cũng làm tương tự.
Đối với Tổng thống Trump, hành động nói trên có thể là do những lo ngại về mặt an ninh. Tuy nhiên, nó cho thấy một điều rằng cả ông Trump lẫn ông Putin có thể sẽ không xuất hiện cùng lúc với các nhà lãnh đạo quốc tế khác, kể cả nhà lãnh đạo của nước chủ nhà Pháp.
|
Ông Putin đến trễ giống ông Trump và hai người bắt tay tại buổi lễ hôm 11-11. Ảnh: The New York Times |
Dù đến tham dự lễ kỷ niệm nhưng ông Trump vẫn được xem là nhân vật dẫn đầu lực lượng đang định nghĩa lại mô hình chính trị phương Tây ở các nước như Ba Lan, Hungary, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu: "Chủ nghĩa yêu nước đối lập với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là một sự phản bội lòng yêu nước bằng cách nói rằng: ‘Lợi ích của chúng tôi là trên hết. Ai quan tâm đến lợi ích của người khác?’".
Ông Trump – người gần đây tuyên bố mình "theo chủ nghĩa dân tộc", dường như không thoải mái sau khi nghe ông Macron phát biểu và một hồi lâu mới vỗ tay.
Theo báo Washington Post, bài phát biểu của ông Macron dường như còn nhắm đến Tổng thống Nga Putin và một số nhà lãnh đạo khác trong số hơn 60 nguyên thủ có mặt.
Buổi lễ do nhà lãnh đạo Pháp khởi xướng chỉ ra sự căng thẳng trên đấu trường quốc tế khi ông Trump tìm cách viết lại những quy tắc vốn là khuôn khổ của thế giới trong những thập kỷ gần đây. Ông Trump đã từ bỏ các thỏa thuận thương mại quốc tế, hạt nhân và biến đổi khí hậu cũng như nặng lời với một số đồng minh như NATO và liên minh châu Âu (EU).
Trong chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này, ông Trump còn phản đối quy tắc của những người theo chủ nghĩa toàn cầu vì họ "không quan tâm nhiều đến đất nước của mình".
|
Ông Trump tại Điện Élysée sau buổi lễ. Ảnh: The New York Times |
Bất chấp mâu thuẫn với ông Macron, quan điểm của ông Trump vẫn được một số nhà lãnh đạo phương Tây chấp nhận, trong đó có Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người tuyên bố quan điểm chống nhập cư là nền tảng chính sách của nước này.
Theo học giả Bruce Jentleson đến từ Trường ĐH Duke (Mỹ), ông Trump không bị cô lập. "Tất cả họ (các nhà lãnh đạo quốc tế) đều được hưởng lợi từ ông ấy. Các nhà lãnh đạo khác thậm chí sử dụng và sửa các cụm từ mà ông Trump thường nói như ‘tin giả’ và ‘Nước Mỹ trên hết’ cho phù hợp với quốc gia họ" – ông Jentleson bình luận.
Tuy nhiên, học giả này lưu ý những nước như trên không bao gồm những nước lớn như Đức và Pháp mà chỉ là những nước "hạng hai" như Ba Lan, Hungary, Ý… Và ngay cả một số người theo chủ nghĩa dân tộc cũng không ủng hộ việc thay đổi quy tắc để viết lại trật tự thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thêm vào đó, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu, Daniel Fried, cho rằng chủ nghĩa dân tộc của ông Trump cũng không nhận được sự đồng thuận ngay cả trong chính quyền của ông bởi vẫn còn những quan chức cấp cao Washington mang quan điểm về một viễn cảnh quốc tế truyền thống hơn.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ tư từ trái qua) dẫn đầu các nhà lãnh đạo tới buổi lễ hôm 11-11. Ảnh: AP |
|
Binh sĩ Pháp trong buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: AP |
|
Các nhà lãnh đạo và phu nhân tham dự buổi lễ hôm 11-1, từ trái qua: Quốc vương Morocco Mohammed VI, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA |
|
Ông Trump (thứ hai bên trái), bà Merkel (thứ ba bên trái), ông Macron (thứ ba bên phải) và ông Putin (đầu tiên bên phải) tại buổi lễ. Ảnh: AP |
Theo Phạm Nghĩa/Người Lao Động