Tranh cãi việc bầu thẩm phán Trung Quốc vào Tòa Luật Biển Quốc tế

Google News

Trung Quốc nói thẩm phán vừa được bầu đến từ nước này sẽ làm việc công tâm, nhưng chuyên gia cho rằng đây là "tuyên bố nước đôi" xét theo hành xử của Bắc Kinh trước đây.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, một nhà ngoại giao Trung Quốc vừa được bầu làm thẩm phán Tòa Luật Biển Quốc tế (ITLOS) giữa lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông vì các hành động đi ngược luật pháp của Bắc Kinh.
Đoàn Khiết Long, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, là một trong 6 thẩm phán mới được bầu tại kỳ họp của 168 nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 tại New York hôm 24/8. Ông Đoàn nhận được 149/168 phiếu.
Tranh cai viec bau tham phan Trung Quoc vao Toa Luat Bien Quoc te
 Ông Đoàn Khiết Long, đại sứ Trung Quốc tại Hungary. Ảnh: SCMP.
Tuyên bố nước đôi
Mỹ không phải là thành viên UNCLOS nhưng đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với ứng viên Trung Quốc trước cuộc bỏ phiếu kín, cáo buộc Bắc Kinh hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 25/8 nói Trung Quốc luôn ủng hộ ITLOS.
"Tôi tin rằng các thẩm phán mới được bầu sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách công chính và đóng góp cho tòa án cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển", ông Triệu nói.
Trả lời Zing, học giả Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, cho rằng Trung Quốc đã đưa ra "tuyên bố kiểu nước đôi", xét việc Bắc Kinh từng "cố tình bôi nhọ" các thẩm phán được bầu vào tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông liên quan đến Philippines và Trung Quốc cách đây 4 năm.
"Trung Quốc cáo buộc một thẩm phán Sri Lanka thiên vị vì ông kết hôn với một người Philippines. Thẩm phán Sri Lanka đã phải rút lui", ông Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Canberra, cho hay.
"Trung Quốc tấn công chủ tịch của ITLOS, người bổ nhiệm các thẩm phán cho tòa trọng tài, bằng những lời lẽ thô thiển về chủng tộc vì ông là người Nhật".
Bắc Kinh cũng đã tấn công các thẩm phán khác được bổ nhiệm vào tòa trọng tài dựa trên quốc tịch của họ. Các thẩm phán này đến từ châu Âu, châu Phi và Trung Quốc cho rằng họ không đủ tiêu chuẩn vì không biết gì về tình hình châu Á, theo ông Thayer.
Tòa trọng tài này, được thành lập theo UNCLOS, thuộc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) - một cơ chế giải quyết tranh chấp khác. Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền của PCA trong vụ việc, không tham gia quá trình xét xử và bác bỏ phán quyết tòa đưa ra vào năm 2016.
Sự phản đối của Mỹ
Cuộc bỏ phiếu hôm 24/8 cũng chọn ra 5 thẩm phán khác đến từ Malta, Italy, Chile, Cameroon và Ukraine. Một cuộc bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức để quyết định ghế cuối cùng giữa 2 ứng viên Jamaica và Brazil.
ITLOS được thành lập theo UNCLOS, có trụ sở tại Hamburg, Đức. Tòa có 21 ghế thẩm phán và kỳ họp lần này chỉ thay thế 7 người (thay thế một phần ba số ghế mỗi 3 năm).
Tranh cai viec bau tham phan Trung Quoc vao Toa Luat Bien Quoc te-Hinh-2
ITLOS được thành lập theo UNCLOS, có trụ sở tại Hamburg, Đức. Ảnh: Getty. 
Đây không phải lần đầu tiên ITLOS có thẩm phán là người Trung Quốc, song Mỹ lần này chỉ trích mạnh mẽ ứng viên của Bắc Kinh từ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.
"Việc bầu chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này giống như thuê người phóng hỏa về điều hành sở cứu hỏa", David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, phát biểu trong hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức hồi tháng 7.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia liên quan đến cuộc bầu chọn của tòa quốc tế đánh giá cẩn thận các tiêu chuẩn của ứng viên Trung Quốc và xem xét liệu một thẩm phán của Trung Quốc tại tòa án sẽ thúc đẩy hay cản trở luật biển quốc tế. Với cách hành xử của Bắc Kinh, câu trả lời hẳn đã rõ".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại những lo ngại này tại phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ hôm 30/7. Tại đây, ông yêu cầu tài trợ cho một nhóm đặc biệt tại Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiệm vụ ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các cơ quan và tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc
"Không chỉ các nhà lãnh đạo mới quan trọng tại các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Dưới đó có những bộ máy quan liêu lớn. Và đáng buồn là chúng ta không hiện diện đủ ở mọi cấp trong các cơ quan quốc tế này, và việc này rất quan trọng", ông Pompeo nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện
Mỹ đã thành công trong việc ngăn chặn ứng viên mà Trung Quốc đề cử giành quyền lãnh đạo một cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - người chiến thắng đến từ Singapore. Tuy nhiên, Mỹ không thể làm điều đó trong trường hợp ITLOS.
Do chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không được phép đề cử ứng cử viên cho bất kỳ vị trí nào trong tòa án. Không có ứng viên nào khác từ các quốc gia châu Á trong cuộc cạnh tranh với ứng viên Trung Quốc lần này.
Giáo sư Thayer nói việc ứng viên Trung Quốc được bầu chọn cho thấy khả năng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Học giả người Australia cũng cho hay ông Đoàn Khiết Long "sẽ không có tư cách xét xử bất kỳ vụ án nào liên quan đến Trung Quốc nhưng có thể tham gia các quá trình pháp lý liên quan đến các nước thành viên ASEAN".
Ông Đoàn có bằng thạc sĩ luật và từng học tại trường luật Đại học Columbia. Ông từng là đại sứ Trung Quốc tại Singapore và làm việc tại Vụ Điều ước và Luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong những năm 2000, khi Trung Quốc và ASEAN thông qua Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Kể từ khi ITLOS ra đời năm 1996, Trung Quốc từng có 3 người ngồi ghế thẩm phán của tòa trong các giai đoạn 1996-2000, 2001-2007 và 2008-2020. Nhiệm kỳ 9 năm của ông Đoàn sẽ bắt đầu vào ngày 1/10.
Theo Đông Phong/Zingnews.vn