Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho đã "nổi giận lôi đình" khi đến thăm một công trường xây dựng đập thủy điện đã 17 năm không hoàn tất hồi tháng 7.
Con đập, được xem là trọng tâm trong nỗ lực của ông Kim nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện kinh niên của nước này, gặp phải tình trạng thiếu nhân công, trang thiết bị và vật liệu. Ông Kim còn phát hiện các quan chức giám sát dự án thậm chí đã không đến công trường.
"Điều làm tôi tức giận là những quan chức đó không từ cơ hội nào để chường bộ mặt không biết xấu hổ của họ ra và nhận công trong lễ khánh thành công trình nhà máy điện", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim. "Tôi không còn gì để nói".
Bản tin của KCNA là sự đối lập với hình ảnh thân thiện thường được miêu tả của ông Kim khi đến thị sát các cơ sở tại Triều Tiên.
Kể từ cuối tháng 6 đến nay, ông Kim dành gần như toàn bộ các hoạt động công khai để đến thăm các nhà xưởng, trang trại và công trình xây dựng thay vì đi đến các bãi thử vũ khí như năm 2017. Thay vì khen ngợi sức mạnh quân sự của Triều Tiên, ông Kim chuyển hướng sang việc quản lý kinh tế nghèo nàn tại các cơ sở mà mình đến, tỏ ra ý định chuyển hướng sang việc giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Triều Tiên.
Thông điệp chung cho dân và Nhà Trắng
Tại Triều Tiên, ông Kim thường sử dụng các chuyến đi "chỉ đạo thực địa" để nhấn mạnh ưu tiên chính sách của ông. Khi muốn thị uy bằng chương trình tên lửa, hạt nhân như hồi năm 2017, ông đến thăm các cơ sở sản xuất vũ khí, chủ trì buổi tiệc dành cho các kỹ sư chế tạo vũ khí.
Ngược lại, gần như tất cả trong 30 chuyến "chỉ đạo thực địa" của ông Trump kể từ cuối tháng 6 đến nay là thăm các nhà máy, công trường xây dựng và nông trại. Ngày 17/7, Rodong Sinmun, tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên, đã ra số báo 12 trang, gấp đôi khổ so với thường ngày và dành 9 trang đầu tiên cho hình ảnh và bài viết về các chuyến thăm nhà máy, trang trại của ông Kim.
Tuần trước, truyền thông Triều Tiên công bố hình ảnh ông Kim mặc áo thun cộc, cơ thể lấm tấm mồ hôi khi cùng vợ đến thăm một xưởng sản xuất cá ngâm trong cái nóng mùa hè tại Triều Tiên. (New York Times, dẫn lời các nhà quan sát nước ngoài, nói rằng các lãnh đạo Triều Tiên thường đi thực địa trong thời tiết khắc nghiệt để chứng tỏ sự tận tụy với nhân dân).
|
Ông Kim và vợ đi thăm xưởng sản xuất cá ngâm trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Giới quan sát Triều Tiên cho rằng thông điệp của ông Kim đang gửi đến người dân cũng rõ ràng như đến Mỹ, bởi việc phát triển kinh tế của Triều Tiên cũng phụ thuộc vào việc có thuyết phục được Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nặng nề hay không.
Cuối tuần trước, ông Kim đã nói rằng nhân dân Triều Tiên đang vật lộn với cuộc chiến "sống còn" chống lại "những lệnh trừng phạt cướp bóc" đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
"Điều có thể thấy rõ là ông Kim Jong Un tha thiết muốn các lệnh cấm vận được dỡ bỏ bớt và tìm cách nâng cao năng suất, cải thiện cuộc sống nhân dân", New York Times dẫn lời Koh Yu Hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul. "Cùng lúc đó, ông ấy đổ lỗi cho các thuộc cấp, chỉ trích các quan chức lười biếng".
Các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên cũng ảnh hưởng đến viện trợ nhân đạo cho nước này, trong bối cảnh các nhóm hoạt động cảnh báo khủng hoảng lương thực đang đe dọa Triều Tiên.
Reuters cho biết về mặt kỹ thuật, các lệnh trừng phạt không bao gồm hoạt động nhân đạo và Liên Hợp Quốc gần đây đã thông qua một đề nghị của Mỹ, được thiết kế để chấp nhận việc chuyển hàng cứu trợ. Tuy nhiên, sự nghiêm ngặt trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với các giao dịch ngân hàng và vận chuyển cho Bình Nhưỡng cùng lệnh cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên đã làm ngưng trệ việc hỗ trợ Triều Tiên của nhiều tổ chức. Đơn cử, lệnh cấm vận chuyển các vật kim loại đã khiến trang thiết bị y tế cơ bản nhất cũng không đến được Triều Tiên.
Lạc quan tắt dần
Khi ông Kim gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6, cả hai đã đồng ý đã xây dựng "mối quan hệ mới" và tiến đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
|
Mỹ và Triều Tiên không còn đe dọa tấn công nhau, nhưng quá trình bình thường hóa quan hệ và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không có nhiều tiến triển như các bên mong đợi. Ảnh: AFP. |
Nhưng các thỏa thuận của họ lại thiếu chi tiết và trong vài tuần qua, cả hai tỏ ra tức giận trước sự thiếu tiến triển triển khai tuyên bố chung trong hội nghị thượng đỉnh. Những hy vọng của Triều Tiên về việc được giảm trừng phạt cũng xa vời hơn.
Cho đến nay, Mỹ đã hủy bỏ cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, khuyến khích Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Washington từ chối tháo dỡ trừng phạt trước, yêu cầu Bình Nhưỡng phải có những động thái phi hạt nhân hóa trước, như khai báo các vũ khí hạt nhân họ có.
Triều Tiên đã có những động thái ban đầu như dừng thử hạt nhân, tên lửa, phá hủy khu thử hạt nhân dưới lòng đất, phá bỏ cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa. Nhưng Bình Nhưỡng muốn Washington phải tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trước khi có những hành động tiếp theo.
Cuộc chiến giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, diễn ra từ năm 1950-1953, kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp định hòa bình và trên lý thuyết, 2 bên vẫn trong trạng thái chiến tranh.
Sự bế tắc trong quan hệ Mỹ - Triều đã phá hủy những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng tới tại Bình Nhưỡng. Hôm 15/8, ông vừa công bố một tầm nhìn đầy tham vọng cho tương lai hợp tác kinh tế liên Triều, bao gồm việc xây dựng các khu kinh tế chung dọc theo biên giới, nối liền tuyến đường sắt hai nước. Tất nhiên, mọi việc chỉ được xúc tiến trong trường hợp miền Bắc chịu phi hạt nhân hóa.
Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn ca ngợi cuộc gặp của ông và ông Kim ở Singapore là thành công lớn và cho biết ông "rất có thể" sẽ gặp lại ông Kim.
|
Nỗ lực phát triển kinh tế của ông Kim bị các lệnh trừng phạt nặng nề chặn lại. Ảnh: Reuters. |
Nền kinh tế "mới" của Triều Tiên
Ông Kim cũng có rất nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy kinh tế Triều Tiên, đất nước từng trải qua nạn đói thảm họa vào thập niên 1990 và gần đây đã sản sinh ra được tầng lớp trung lưu mới nổi.
"Người Triều Tiên bây giờ cũng chạy theo vật chất và ít thỏa mãn không kém gì những người đồng chí của họ tại Liên Xô và Đông Đức trước kia, và cũng như phần lớn chúng ta ở phương Tây", Rüdiger Frank, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Vienna, viết.
Vào năm 2012, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng trong tư cách lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim đã tuyên bố rằng người dân của ông sẽ "không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa".
Đến năm tiếp theo, ông kế thừa chính sách "quân sự trước tiên" của cha mình, nhưng phát triển song song kinh tế và quân sự, biến nó thành chính sách "byungjin" (song song). Trong lúc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, ông Kim cũng điều chỉnh nền kinh tế của Triều Tiên, cho phép mở ra hơn 400 khu chợ, hoạt động bên cạnh những cửa hàng quốc doanh vốn từng là nguồn cung cấp hàng hóa duy nhất cho người dân. Ông cũng cho phép giao quyền nhiều hơn cho các công xưởng và trang trại tập thể.
Thế nhưng, các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân, tên lửa đã tổn hại đến các nỗ lực kinh tế. Từ năm 2012-2015, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng với tốc độ 1,77% mỗi năm, hầu hết là nhờ vào các hoạt động thị trường, theo Kim Byung Yeon, giáo sư về kinh tế học tại Đại học Quốc gia seoul. Đến năm 2017, nền kinh tế giảm tới 3,5%, con số lớn nhất trong 2 thập niên qua, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
Trong bài phát biểu mừng năm mới 2018, ông Kim nói rằng: "Tôi đã sống qua năm vừa qua và cảm thấy nóng ruột và tội lỗi cho sự bất lực của mình".
Reuters cho biết Liên hiệp Hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) vừa cảnh báo Triều Tiên còn đối mặt với "cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn diện" sau khi truyền thông nước này cho biết cả nước đang trải qua "thảm họa thiên nhiên chưa từng có", tức đợt nóng kỷ lục cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.
|
Một trung tâm thương mại tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Trong nỗ lực chuyển bán đảo Triều Tiên từ trạng thái "bên bờ chiến tranh" sang giải quyết bằng ngoại giao, ông Kim muốn thiết lập quan hệ thương mại với các nước cũng như tháo dỡ bớt lệnh trừng phạt. Từ tháng 3 đến nay, bên cạnh cuộc gặp với Tổng thống Trump, ông Kim đã gặp cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 3 lần và tổng thống Hàn Quốc 2 lần.
Hồi tháng 4, ông Kim tuyên bố ngưng chính sách "byungjin", giải thích rằng ông đã hoàn thiện một trong 2 mục tiêu: xây dựng kho vũ khí hạt nhân. Giờ thì, ông nói, Triều Tiên sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực quốc gia vào việc tái thiết nền kinh tế.
Các nhà quan sát Triều Tiên từ đó đã tự hỏi tuyên bố trên liệu có nghĩa là ông Kim sẵn sàng mang tên lửa ra mặc cả để đổi lấy nhượng bộ kinh tế và an ninh từ Mỹ và đồng minh. Và liệu chính quyền Trump có sẵn lòng thử ý ông Kim bằng việc tham gia cuộc trao đổi này không?
"Rõ ràng là những mảnh ghép trong bức hình sẽ không được đặt vào đúng chỗ cho đến khi chúng ta nhìn thấy sự tiến triển trong quan hệ Mỹ - Triều và việc tháo dỡ bớt hoặc hoàn toàn các biện pháp trừng phạt", theo Hwang Jae Jun, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Sejong, một viện chính sách tại Hàn Quốc.
Ở một mặt khác, ông Frank nói rằng Triều Tiên thời ông Kim dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng kinh tế hơn là thời trước, vì hàng hóa và thông tin từ nước ngoài đã bắt đầu tràn vào quốc gia vốn khép kín này, một phần là nhờ những cải cách của chính ông Kim.
Theo Phương Thảo/Zing.vn