Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch "lưới Trời" và "săn Cáo"

Google News

Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc ngoài tên gọi "đả Hổ, diệt Ruồi", còn được biết tới với danh xưng "săn Cáo" và "lưới Trời".

Và người bị điểm danh trong đợt này là ông Tào Bạch Tuyển, nguyên Cục trưởng Cục 4 (Cục châu Phi) thuộc Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc- bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng. Điều đáng nói là ông Tào Bạch Tuyển đã nghỉ hưu từ năm 2012, nhưng vẫn bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương "sờ gáy".
Ngày 17-12, tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, ông Tào Bạch Tuyển từng phụ trách quan hệ ngoại giao với Tây Âu và châu Phi, từng là người đứng đầu 2 cục thuộc Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương.
Trung Quốc mạnh tay với tội phạm lừa đảo Internet và viễn thông. 
Theo giới truyền thông, sau khi tốt nghiệp Viện Ngoại ngữ Thượng Hải năm 1975 (nay là Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải), ông Tào Bạch Tuyển (người Nam Kinh, tỉnh Giang Tô) được cử phụ trách các nước nói tiếng Đức thuộc Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương. Và sau khi tốt nghiệp Đại học Heidelberg, Đức, ông Tào Bạch Tuyển được cử làm người đứng đầu bộ phận chuyên tiếng Đức của Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương và là người phiên dịch chính khi các chính trị gia Đức thăm Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp Đại học California, Mỹ, ông Tào Bạch Tuyển được cử phụ trách bộ phận Tây Âu và châu Phi. Thành thạo tiếng Đức và tiếng Anh, từ năm 2008 đến 2012, ông Tào Bạch Tuyển được cử chuyên trách phần liên lạc với các đảng chính trị ở Tiểu vùng Sahara châu Phi.
Sau khi rời Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, ông Tào Bạch Tuyển được bổ nhiệm làm cố vấn cho Tập đoàn kim loại Trung Đức có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông. Theo tờ South China Morning Post, ông Tào Bạch Tuyển là quan chức ngoại giao cấp cao thứ hai bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng kể từ năm 2012 đến nay.
Người đầu tiên sa lưới là ông Trương Côn Sinh. Trước khi "sờ gáy" ông Tào Bạch Tuyển, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã lập án điều tra đối với ông Trương Côn Sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Lễ tân kiêm Thư ký Ngoại trưởng Trung Quốc (bị điều tra về tội nhận hối lộ).
Cụm từ "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng" ở Trung Quốc mỗi khi được giới truyền thông đề cập, là để ám chỉ cán bộ bị nghi vấn tham nhũng, nhận hối lộ và vi phạm pháp luật.
Ngày 17-12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo, trong 9 tháng qua (từ tháng 1-2017), Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 22.268 đối tượng liên quan đến 8.257 vụ chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet và viễn thông.
Cũng trong thời gian kể trên, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã khởi tố 710 đối tượng có liên quan đến 334 vụ thâm nhập và tấn công hệ thống máy tính. Thống kê kể trên chứng tỏ, Trung Quốc đã xử lý mạnh tay đối với tội phạm lừa đảo Internet và viễn thông.
Ngoài đưa ra thông báo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn yêu cầu cán bộ ngành Kiểm sát phải nhận thức sâu sắc hơn về sự nguy hại của những hành vi kể trên, để đẩy nhanh công tác thu thập chứng cứ, kịp thời đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề nghị tăng cường phối hợp với ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Internet và viễn thông, để hạn chế tối đa những vụ rò rỉ thông tin cá nhân.
Theo giới truyền thông, trong số các vụ án đã được đưa ra xét xử, đáng quan tâm nhất là vụ lừa đảo viễn thông gây ra cái chết cho nữ sinh Từ Ngọc Ngọc - bị chết vì đau tim sau khi bị lừa mất 9.900 nhân dân tệ qua mạng. Số tiền này nạn nhân dự định dùng để đóng học phí đại học, nhưng đã bị 7 đối tượng lừa và những nghi can kể trên đã bị Tòa án nhân dân thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông tuyên với mức án cao nhất là tù chung thân.
Hơn 10 ngày trước (8-12), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, tính đến cuối tháng 10, Trung Quốc đã truy bắt được 3.587 tội phạm tham nhũng bỏ trốn ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước quy án, trong đó có 701 quan chức nhà nước. Và số tiền thu hồi được từ việc truy bắt kể trên vào khoảng 1,44 tỷ USD.

Được biết, 51 người trong danh sách 100 đối tượng tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất tại Trung Quốc đã bị bắt về nước, trong đó có 12 đối tượng ở Mỹ, 12 đối tượng ở Canada, 3 đối tượng ở Australia và 2 đối tượng ở New Zealand. 49 đối tượng còn lại trong danh sách kể trên vẫn đang lẩn trốn và chủ yếu là ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Theo Trịnh Huyền My/CAND