Tại trường Tiểu học Sun Valley ở Fish Hoek, Cape Town, Nam Phi, thay vì chấm điểm bài tập của học sinh, giáo viên chỉ phê "đạt" hoặc "chưa đạt".
Tuyệt vời hơn, từ năm 2015, học sinh trường không còn phải làm bài tập về nhà. Hiệu trưởng Gavin Keller chủ trương đẩy mạnh phương pháp giảng dạy sáng tạo, bắt đầu từ việc bỏ bài tập về nhà.
"Trẻ em nên thực hiện những việc diễn ra tự nhiên, đó là chơi đùa", ông Gavin Keller giải thích.
Hiệu trưởng Keller lấy cảm hứng từ nghiên cứu về phát triển tư duy của giáo sư Carol Dweck ở Đại học Stanford cùng công trình khoa học về phát triển sức mạnh tinh thần của nhà tâm lý học người Mỹ Angela Duckworth.
Ông cho rằng phương pháp tốt nhất để rèn luyện ý chí cho học sinh là nuôi dưỡng thói quen tư duy rộng mở, khuyến khích tinh thần cầu tiến và học tập không ngừng.
|
Hiệu trưởng Keller vui chơi cùng học sinh. Ảnh: Timeslive. |
Vị hiệu trưởng nhận định lối tư duy cứng nhắc coi trọng kiến thức, độ chính xác không phải cách giáo dục trẻ tốt nhất.
Bên cạnh việc bỏ bài tập về nhà, trường Tiểu học Sun Valley cũng thay thế các phần thưởng khuyến khích học tập bằng những phần quà dựa trên tinh thần, coi trọng sức mạnh ý chí của mỗi học sinh.
Năm 10 tuổi, các em sẽ thực hiện phỏng vấn phụ huynh, giáo viên, qua đó để thông báo những gì mình đạt được cùng kế hoạch học tập cho năm tới.
Giáo viên tự quyết định thời lượng mỗi tiết học. Nhưng sau 20 phút, nếu không còn hứng thú với môn học, học sinh có thể ra khỏi lớp, vui chơi trước khi trở lại với bài vở.
Giáo viên không đánh dấu đúng sai vào bài tập, chỉ nhắc nhở khi các em chưa hiểu đúng vấn đề, đồng thời khuyến khích trẻ không nản lòng nếu làm sai.
Thay vì dùng các hình thức kỷ luật, trường Sun Valley tạo hứng thú học tập thông qua phong cách giảng dạy tự do và những dòng tin nhắn đầy màu sắc được đặt khắp trường. Nhờ đó, học sinh cảm thấy vui vẻ hơn, không còn áp lực chuyện bài tập, điểm số.
Ông Michael Raven làm cố vấn tại trường trong 5 năm, đã chứng kiến sự thay đổi về mặt tinh thần của học sinh. Với ông, những em nhỏ ở đây thực sự rất tự tin và có ý thức cao. Trường hoàn toàn không cần đến các hình thức kỷ luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo tất cả học sinh phát triển tốt trong môi trường học tập kiểu "nuôi thả", mỗi lớp có hai giáo viên. Một người phụ trách việc giảng dạy kiến thức. Người còn lại chịu trách nhiệm chú ý đến từng học sinh trong lớp để hỗ trợ khi cần.
Nói về ý nghĩa của phương pháp giáo dục này đối với bản thân, một học sinh lớp 4 chia sẻ: "Em học được tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Em từng viết một ca khúc và biểu diễn nó trước toàn trường dù không muốn vì em rất căng thẳng. Nhưng cuối cùng, em làm được vì em tin mình mạnh mẽ".
Liesl Krog, phụ huynh hai học sinh tại Sun Valley, cho biết cách làm của trường giúp gia đình anh có nhiều thời gian bên nhau thay vì lãng phí thời gian vào việc đốc thúc, giám sát con hoàn thành bài tập về nhà.
Theo Nguyễn Sương/Zing News