Trung Đông nên bỏ sự phụ thuộc vào USD, lập đồng tiền chung?
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Iran đang tẩy chay đồng dollars Mỹ và thúc đẩy thương mại song phương bằng tiền tệ của các quốc gia này, trong bối cảnh thuế quan và lệnh cấm vận của Mỹ.
Liệu hành động của các nước này có trở thành xu thế phổ biến đối với các quốc gia Trung Đông hay không? Trong cuộc trò chuyện với Sputnik, các nhà kinh tế Trung Đông đã chia sẻ quan điểm của họ về việc liệu các nước vùng Vịnh Ba Tư có đi theo xu hướng này hay không.
Theo giới chuyên gia, rất khó để bất cứ quốc gia nào đơn độc tách ra khỏi sự liên hệ với đồng dollars, nhưng nếu các nước của Vịnh Ba Tư quyết định làm điều này với nhau, nếu họ hợp lực giới thiệu một loại tiền tệ duy nhất, điều này sẽ có tác động ảnh hưởng lớn.
Nhà kinh tế Ai Cập Muhammed Abdel Jawad nói rằng, nếu điều này xảy ra, nó sẽ thúc đẩy quá trình “cô lập hóa đồng dollars”, tăng cường giá trị của đồng tiền mới và biến các quốc gia vùng Vịnh thành “các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu”.
Jawad đã rút ra những điểm tương đồng giữa Liên minh châu Âu và các nước thuộc vùng Vịnh Ba Tư, cho thấy, nếu thiết lập được một đồng tiền chung tro ng ku vực Trung Đông, tiềm năng của khối các nước vùng Vịnh có thể vượt trội so với EU, do trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ của họ.
"Nếu các nước vùng Vịnh tạo ra một loại tiền tệ duy nhất, đồng USD sẽ run rẩy" - ông nhận xét.
Quá trình “khử dollars hóa” đã khởi động trên toàn cầu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo rằng Ankara sẽ chuyển sang thanh toán quốc tế bằng đồng lira.
Tuyên bố được đưa ra giữa sự tự do của đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ và căng thẳng leo thang giữa Ankara và Washington.
|
Nga-Trung đi tiên phong, có sự ủng hộ của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, để từ bỏ đồng USD trong giao dịch thương mại. |
Trước đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Nga đã bắt đầu sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại năng lượng song phương. Câu hỏi đặt ra, là liệu các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ đi theo hay không hưởng ứng xu hướng này.
Theo Abdel Aziz al-Arayar, một thành viên của Ủy ban Cố vấn của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (the Gulf Cooperation Council - GCC), việc các nước vùng Vịnh từ bỏ đồng dollars là không cần thiết. "Tôi không thấy sự cần thiết của việc các nước của Vịnh Ba Tư chuyển sang dùng chung một loại tiền tệ địa phương, có thể là rial, dinar hay dirham" - al-Arayar nói với Sputnik.
Đây là những đồng tiền rất mạnh và chúng được định giá bằng đồng dollars. Vấn đề tiền tệ được gọi như thế nào không quan trọng, mà quan trọng nhất là mọi người đều công nhận nó và nó được hỗ trợ bởi một nền kinh tế mạnh" - nhà kinh tế Saudi nói và cho biết thêm rằng, đồng USD Mỹ đáp ứng được các yêu cầu này.
Các nhà kinh tế học cho rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là do sự trồi sụt của dòng đầu tư gây ra, bởi Ankara xây dựng nền kinh tế của đất nước trên cơ sở đầu tư nước ngoài. Ông giải thích thêm rằng, tình hình tương tự đã xảy ra ở Malaysia trong những năm 1990.
Al-Arayar tin rằng việc “cô lập hóa đồng dollars” là cần thiết để hồi sinh niềm tin vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đa dạng hóa là cần thiết, vì người ta không thể chỉ dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài, bởi tiền được đẩy tới các lĩnh vực không mong muốn, ví dụ, bất động sản và cơ sở hạ tầng. Tất cả điều này không mang lại hiệu quả mong muốn" - vị chuyên gia này chia sẻ.
Nga-Trung-Thổ-Iran giáng đòn đầu tiên vào đồng dollars
Vào ngày 26 tháng 3, Bắc Kinh đã tung ra một cú đánh mạnh mẽ đầu tiên vào những đồng dollars dầu mỏ (petrodollar) bằng cách tung ra một sàn giao dịch dầu tương lai bằng đồng Nhân dân tệ, trên Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải.
Vào tháng 4, Tehran đã từ bỏ đồng USD của Mỹ và chuyển tất cả các khoản thanh toán quốc tế sang euro, trong bối cảnh mối đe dọa của Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện 2015 (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (Iran Nuclear Deal - IND).
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang tiến hành giao dịch thương mại năng lượng với Iran bằng đồng euro. Ngoài ra, New Delhi đã chấp thuận cho Tehran, một trong những nhà cung cấp năng lượng quan trọng nhất của mình, được thanh toán các khoản mua sắm hàng hóa bằng đồng rupi.
Trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng với Mỹ kéo dài từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 7/2016, chính quyền Ankara trong vài năm qua đã xem xét kế hoạch từ bỏ đồng dollars và bây giờ rất có thể là Ankara sẽ biến lời của họ thành hành động.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đã cho phép tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với đó là hàng loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và sự cô lập về chính trị đối với chính quyền Ankara, đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lao đao.
Sức ép của một “một cuộc tấn công kinh tế” và "sự khủng bố chính trị" trên phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội nhằm âm mưu gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (theo cáo buộc của Ankara), đã làm sụt giảm 20% công cụ tiền tệ quốc gia.
Vào ngày 10 tháng 8, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức thấp lịch sử, giảm 18%. Tổng thống Recep Tayip Erdogan đã chỉ thẳng đối tượng đã làm sụt giảm đồng tiền quốc gia của nước này không ai khác chính là Mỹ và tuyến bố sẽ từ bỏ các giao dịch tương mại quốc tế bằng USD.
Hiện tại, Nga có thể hoàn toàn chuyển sang giao dịch bằng các loại tiền tệ quốc gia với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Sự tẩy chay đồng dollars từ các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất có thể dẫn đến khả năng thúc đẩy xu hướng bài trừ thanh toán bằng USD trên phạm vi toàn cầu.
Vào ngày 14 tháng 8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, chính quyền Moscow cam kết hỗ trợ “thương mại phi dollars” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga nhấn mạnh rằng, việc sử dụng công cụ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia cho thương mại giữa các bên, là một trong những nhiệm vụ mà các các nguyên thủ quốc gia Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra trong nhiều năm qua.
Ông Lavrov nói thêm rằng, các quá trình tương tự cũng đang diễn ra trong mối quan hệ của Nga với Iran và Trung Quốc.
"Tôi tin rằng, sự lạm dụng nghiêm trọng vai trò của đồng dollars Mỹ như một cán cân thanh toán toàn cầu và đồng tiền dự trữ toàn cầu sẽ dẫn đến thời điểm đánh dấu sự suy yếu và suy sụp về vai trò của nó" - Ngoại trưởng Nga chỉ ra.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nếu điều này được thực hiện, đó sẽ là “cuộc lật đổ vĩ đại” nhưng trên thực tế, việc từ bỏ hoàn toàn đồng USD trong giao dịch thương mại thế giới là điều rất khó khăn, thậm chí là không tưởng.
Kế hoạch mà khả thi nhất là các cường quốc khác chỉ nên tìm kiếm các biện pháp “giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD”, để từ đó, đánh bật vị thế thống trị của nó, chia sẻ địa vị này cho một số đồng tiền mạnh khác.
Theo Thiên Nam/Báo Đất Việt