Tuổi già ở Trung Quốc: Hy sinh nuôi con, về già phải tự nuôi mình

Google News

Sự cam chịu sắt đá trên khuôn mặt chỉ tan biến khi ông Qin Taixiao nói về thời điểm ưa thích trong năm - Tết âm lịch. Kỳ nghỉ dài ngày là dịp duy nhất ông được gặp 3 người con.

Đối với cụ ông Qin Taixiao, tuổi già vừa cô đơn, lại vừa vất vả.
Mỗi mùa đông, cụ già 68 tuổi dậy sớm, lên rừng kiếm 50 kg củi vác về nhà. Đến chiều, ông lại đi kiếm củi lần nữa.
Ông phải làm vậy vì muốn tiết kiệm. Đốt củi để sưởi ấm rẻ hơn đốt than, trong cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc Trung Quốc.
Trong cả năm qua, ông Qin và vợ ông, bà Sun Sherong, hầu như luôn cô đơn. Họ sống ở một ngôi làng hẻo lánh và gần như bị bỏ hoang cách Bắc Kinh khoảng 240 km.
Giữa những chuyến đi kiếm củi, ông Qin cũng phải điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư đại tràng với chỗ thuốc mà ông đủ tiền mua.
“Tôi cũng chả biết nói gì”, ông nói với CNN. “Cuộc sống cũng tạm được. Làm gì có cách nào khác”.
Tuoi gia o Trung Quoc: Hy sinh nuoi con, ve gia phai tu nuoi minh
Ông Qin Taixiao, 68 tuổi, lên rừng kiếm hai bó củi mỗi ngày để tiết kiệm chi phí sưởi ấm. Ảnh: CNN.
Trung Quốc sẽ “chưa giàu đã già”
Sự cam chịu sắt đá trên khuôn mặt chỉ tan biến khi ông nói về thời điểm ưa thích trong năm - Tết âm lịch. Kỳ nghỉ dài ngày là dịp duy nhất ông được gặp 3 người con.
Giống nhiều người khác, những người con của ông Qin rời làng nhiều năm trước để tìm việc, đi theo làn sóng di cư khổng lồ tới các thành phố Trung Quốc xuất phát từ nhiều năm tăng trưởng kinh tế ở nước này. Hàng trăm triệu người đã chuyển tới thành phố trong vài thập kỷ trở lại đây, để lại những ngôi làng gần như bỏ hoang.
Nỗi khổ của ông Qin giống như của hàng triệu gia đình khác. Theo CNN, dân số Trung Quốc đang già đi rất nhanh, và nhiều người già không biết chắc liệu đất nước hoặc con cái mình có thể chăm sóc họ trong những năm tới hay không.
Đến năm 2050, hơn 34% người dân Trung Quốc sẽ ngoài 60 tuổi, theo dự đoán của Ủy ban Lao động Quốc gia nước này, tương đương với 500 triệu người, gấp đôi con số hiện tại.
Dân số ở tuổi lao động giảm đi sẽ có tác động sâu sắc và rộng khắp trên toàn Trung Quốc. Các chuyên gia đã cảnh báo Trung Quốc có thể "chưa giàu đã già”, và dân số già sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế.
Và khi lực lượng lao động đóng góp vào ngân khố nhà nước giảm đi, gánh nặng tài chính trên vai Bắc Kinh sẽ càng gay gắt.
“Trong những năm tới, số người già sẽ tăng hàng triệu người mỗi năm, có nghĩa ngày càng ít người đóng góp vào các quỹ phúc lợi xã hội mà sẽ phải được chia sẻ cho nhiều người hơn”, Yuan Xin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Chăm sóc Người già ở Đại học Nam Khai, nói với tạp chí tài chính Caixin.
Gánh nặng quá lớn với thế hệ trẻ
Không chỉ chính phủ sẽ khó khăn trong việc chăm sóc cho người già, mà các nghiên cứu cũng cho thấy người lao động cũng không tiết kiệm đủ để nghỉ hưu.
Đến cuối năm 2017, người lao động Trung Quốc đã tích lũy tổng cộng 1.000 tỷ USD tiền tiết kiệm, theo Bộ Tài chính nước này. Tính trung bình, số tiền đó nếu chia đều cho những người ngoài 60 sẽ là 4.000 USD/người, chắc hẳn là không đủ, đặc biệt là ở một quốc gia sắp có hàng trăm triệu người nghỉ hưu.
Các quan chức Trung Quốc ước tính đến năm 2050, hơn 26% GDP nước này sẽ được chi để chăm sóc người già, so với 7% hiện nay.
Tiền tiết kiệm ít như vậy một phần là do văn hóa, trong đó người cao tuổi ở Trung Quốc nhờ cậy vào gia đình chi trả chi phí sinh hoạt sau khi nghỉ hưu. Con cháu có bổn phận hỗ trợ người già trong gia đình về tài chính.
Nhưng khi số người trẻ trở nên ít hơn, trách nhiệm trên vai thế hệ này đang trở nên khó gánh vác.
Năm 1993, cứ mỗi 5 người ở tuổi lao động chi trả bảo hiểm xã hội thì có một người rút tiền bảo hiểm, theo Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc. Đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ chỉ còn 1,3:1.
Hệ lụy của chính sách một con
Nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng dân số già đi là chính sách một con. Tỷ lệ sinh giảm mạnh khi chính sách này đi vào hiệu lực năm 1980. Như vậy, những người trẻ sẽ săn sóc cha mẹ một mình mà không có anh em ruột để chia sẻ gánh nặng đó.
Chính sách này được nới lỏng năm 2016, cho phép mỗi vợ chồng có 2 con, nhưng chưa có sự bùng nổ về tỷ lệ sinh.
Trong một bài xã luận năm 2017 trên Hoàn cầu Thời báo, sinh viên Wang Yihan từ thành phố Tây An nói chính sách một con đã tạo áp lực lớn lên những người con một trong việc chăm sóc cha mẹ già, những người đã hy sinh để nuôi dạy con cái.
“'Là con một thì như thế nào?’ là một câu hỏi thường gặp trên mạng... và câu trả lời phổ biến là ‘Không dám chết, không được lấy vợ chồng xa, phải kiếm nhiều tiền, vì họ chỉ có mình ta’”, Wang nói.
Nhiều thanh niên rời bỏ làng quê nhiều thập kỷ trước, như con cái của ông Qin và bà Sun, đã kiếm được kha khá. Nhưng nhiều người con khác lo sợ họ chưa kiếm đủ tiền để chăm sóc cha mẹ.
Trừ khi có giải pháp nào đó, sẽ có nhiều người cao tuổi phải tự nuôi lấy mình. Ông Qin và bà Sun sống nhờ khoản thu nhập 1.500 USD mỗi năm từ việc trồng và bán ngô.
“Con cái khó mà giúp được chúng tôi”, bà Sun nói, một vài tuần trước khi những người con về quê ăn Tết. “Chúng vốn đã không kiếm được nhiều tiền và chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng”.
Song đến một ngày, việc vác hàng chục ký củi sẽ trở thành quá sức. Bệnh ung thư của ông Qin có thể tệ đi. Bà Sun thì có thể trượt ngã.
Khi ngày đó đến, họ sẽ phải nhờ cậy con cái, cũng như nhiều người cao tuổi khá ở Trung Quốc. Liệu xã hội có thể chăm sóc người già hay không là một câu hỏi sống còn đối với tương lai đất nước đông dân nhất thế giới.
Theo Trọng Thuấn / Zing