"Năng lực sản xuất của họ (Triều Tiên) vẫn nguyên vẹn", báo Washington Examiner dẫn lời tướng lục quân Vincent Brooks - Chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc – nói tại Diễn đàn An ninh Aspen. "Chúng tôi chưa hề thấy ngừng sản xuất hoàn toàn. Chúng tôi chưa thấy dỡ bỏ các thanh nhiên liệu".
|
Tướng Mỹ Vincent Brooks và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. |
Brooks cam kết không "phản ứng quá mức với những thứ như thế", đồng thời bình luận thêm rằng sự tồn tại của những thiết bị và năng lực đó có thể góp sức cho một chiến thuật đàm phán của Triều Tiên trong những giai đoạn đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa.
Ý kiến trên đã kéo theo một loạt những bình luận nghi ngờ từ một nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa. Chủ tịch Ủy ban An ninh Hạ viện Mỹ Michael McCaul tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chưa cảm thấy áp lực đủ lớn để từ bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Những gì tôi thấy kể từ (hội nghị) Singapore thực tế là không phải áp lực tối đa mà là nới lỏng cấm vận về mặt thực thi", ông McCaul nói.
Nghị sĩ này hướng phần lớn sự chỉ trích vào Nga và Trung Quốc, nêu rõ các quan chức Mỹ đã trình với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc "bằng chứng rõ ràng và thuyết phục" rằng cả hai nước đang giúp Triều Tiên tránh né các lệnh cấm vận dầu lửa.
Theo ông McCaul, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sai lầm khi dừng các cuộc tập trận và sử dụng ngôn từ nặng nề khi mô tả các cuộc tập trận đó là "trò chơi chiến tranh".
Theo Thanh Hảo/Vietnamnet.vn