Cuộc chiến ở Syria bước sang năm thứ 8 và dự báo sẽ còn kéo dài một hoặc hai năm nữa. Trên mọi mặt trận, Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad với sự hỗ trợ tích cực của các đồng minh, trong đó có Nga, đã và đang giành được nhiều chiến thắng, củng cố vai trò.
Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề gây ra khủng hoảng ngay từ năm 2011 và vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Các nhà phân tích khu vực đánh giá về tình hình Syria với sự trợ giúp của đồng minh Nga nhận định rằng “chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố không có nghĩa là đã chiến thắng”.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria (Ảnh: Sputnik) |
Trong chuyến thăm Syria đầu tháng 12/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố và bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những thành công thực sự của sự hiện diện của Nga tại quốc gia Arab kể từ năm 2015.
Trước hết có thể thấy, mối quan hệ ba bên giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong đàm phán Astana có thể được coi là những thành tựu chính của ngoại giao Nga tại Syria. Cuộc đối thoại và can dự giữa ba nước bắt nguồn từ một số nhu cầu thực tiễn và những cân nhắc thực tế của mỗi bên.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc khai thác sự hợp tác này để tăng cường sự quan tâm với người Kurd, ngăn chặn dòng người tị nạn Syria vào lãnh thổ nước này, cũng như xây dựng "khu vực ảnh hưởng Sunni" bên trong Syria. Iran đã duy trì ảnh hưởng với các hoạt động chính trị bên trong Syria và sử dụng sự trợ giúp của Nga để củng cố ảnh hưởng ở Lebanon.
Đối với Nga, khai thác liên minh ba bên này tăng cường sự thống nhất phe phái và thúc đẩy sáng kiến của mình trong giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Đồng thời, Nga cũng nhận thức đầy đủ rằng liên minh này được sinh ra từ những điều kiện nhất định chứ không phải luôn luôn. Bởi trong thực tế, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi lợi ích khác nhau ở Syria. Tuy nhiên, các bên thấy có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong việc theo đuổi những thành tựu quân sự ở Syria chuyển thành lợi ích chính trị và cố gắng để khởi động một tiến trình chính trị tại Syria dựa trên các điều kiện của ba quốc gia hài hòa.
Cả ba nước cũng đã đạt được một số thành công trong vòng đàm phán Astana như quy tụ được các bên tham gia đàm phán, thành công trong việc đạt được thỏa thuận thiết lập các khu vực để giảm sự leo thang và giảm mức độ đổ máu trên thực địa. Nhưng họ đã thất bại trong việc khởi động một cuộc đối thoại chính trị bền vững giữa các bên tham gia chiến ở Syria.
Nga đã sớm nhận ra sai sót của mình rằng, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, chưa kể đến việc triển khai một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc. Do đó, Nga đã tăng cường xây dựng quan hệ với các bên khác trong khu vực và hỗ trợ các cuộc đàm phán tại Ai Cập, Jordan để thiết lập một lệnh ngừng bắn ở miền đông Ghouta, Rastan và miền nam Syria, cũng như bổ sung đối với giải pháp chính trị ở Syria nhằm kéo dài quá trình đàm phán Astana chứ không thể thay thế. Do đó, động thái của Nga trong nửa sau năm 2017 tập trung vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về Syria thành đa cấp tại Geneva, Astana và các cuộc đàm phán ở Cairo và Amman.
Tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng khi đối mặt với các tổ chức IS ở Syria và bắt đầu rút dần quân đội Nga khỏi Syria. Đây không phải là lần đầu tiên Nga tuyên bố ý định rút quân ra khỏi Syria. Hồi tháng 3/2016, Nga đã công bố ý định chấm dứt hoạt động quân sự tại Syria, tuyên bố rằng họ đã hoàn thành. Nhưng thay vì rút quân, Nga đã tham gia sâu vào cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, Nga đã xác định thời điểm này để hoàn thành lời hứa của mình khi tình hình ở Syria đang thay đổi rõ rệt.
Do những nỗ lực của Nga và Iran, các lực lượng đối lập đã bị suy yếu nghiêm trọng. Khả năng để tiếp tục chiến đấu của họ yếu hơn. Ngoài ra, đã có một sự thay đổi tâm trạng chung của xã hội Syria trong giai đoạn gần đây. Do đó, sau gần 7 năm xung đột đẫm máu tàn phá, vấn đề hòa bình và ổn định trở nên cấp thiết hơn là tương lai hệ thống chính trị. Từ đó, xung đột sẽ không đòi hỏi sự hiện diện của Nga nhiều hơn trên thực địa. Nga đồng thời gửi tín hiệu sự sẵn sàng giúp Damascus trong quá trình tái thiết sau chiến tranh.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin thăm Damascus để thảo luận với Tổng thống Bashar al-Assad về sự tham gia của các công ty Nga trong việc tái thiết Syria.
Chế độ của ông Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn đã chiến thắng trong cuộc nội chiến, ảnh hưởng của Nga ở Syria được nâng lên. Nhưng trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn sau chiến tranh, tầm quan trọng của yếu tố quân sự ngày càng giảm dần, thay vào đó là khía cạnh tài chính và kinh tế. Hiện vẫn còn chưa chắc chắn liệu nền kinh tế Nga đang chao đảo có thể cung cấp những nguồn lực cần thiết để khởi động quá trình tái thiết ở Syria hay không.
|
Ngay cả khi rút quân khỏi Syria thì Nga vẫn sẽ là hạt nhân trong việc "tái thiết" lại Syria theo hướng cân bằng lợi ích giữa các bên. (Ảnh: Sputnik) |
Đáng chú ý, Nga chưa tuyên bố sẵn sàng tham gia vào cuộc tái thiết sau chiến tranh của Syria. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ không rút lui sau chiến tranh Syria. Do nguồn lực có hạn của mình, Moscow đang cố gắng để duy trì tầm quan trọng của mình đối với Damascus thông qua theo dõi ngoại giao bằng cách đóng một vai trò tích cực trong việc hình thành tiến trình chính trị để giải quyết cuộc xung đột. Hiện tại, Moscow đang tập trung nỗ lực ngoại giao của mình vào làm việc với các nước có ảnh hưởng trên thực địa bên trong Syria.
Những thách thức sắp tới
Mặc dù trên giấy tờ có thể đánh giá các chiến lược, chính sách của Nga ở Syria là tốt. Nhưng một số sáng kiến của nước này không phải lúc nào cũng được thực hiện thành công trên thực địa. Ví dụ quan điểm chung về tương lai của tiến trình chính trị ở Syria vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Các vấn đề mà Nga phải đối mặt cho thấy rằng mặc dù có vai trò then chốt trong quá trình đàm phán về Syria, nhưng rõ ràng là các nguồn lực và khả năng của họ khó đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều không chuẩn bị để đóng vai trò thứ yếu trong quá trình đàm phán, điều này thể hiện rõ ràng trong các cuộc đàm phán cấp cao gần đây. Trong khi chờ đợi, có vẻ như cả ba quốc gia đều liên kết lợi ích của những điểm tương đồng về mặt tình huống và chiến thuật chứ không phải các mục tiêu chiến lược chung. Điều này lại cho thấy rằng bất kỳ bên nào muốn xây dựng một tiến trình chính trị để giải quyết cuộc xung đột Syria sẽ phải đối mặt với những thách thức mà sẽ không dễ dàng vượt qua.
Ngoài ra, có một vấn đề khác Nga phải đối mặt là Tổng thống Bashar al-Assad có thể sẽ bị buộc rời bỏ quyền lực. Trong khi, chính quyền Syria đặt câu hỏi về tính khả thi của quá trình đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Nhất là khi các bên vẫn còn bất đồng quan điểm về vai trò của ông Bashar al-Assad và sự đảm bảo "không can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước".
Theo viễn cảnh này, cuộc đối thoại quốc gia toàn diện nhằm định hướng tương lai của nhà nước Syria sẽ được chuyển đổi thành các cuộc đàm phán giữa một bên chiến thắng và một bên bị đánh bại.
Kết quả cuộc xung đột vũ trang của Syria cho thấy lực lượng Chính phủ với sự giúp đỡ của các đồng minh, trong đó Nga giữ vai trò chủ chốt đã thành công trong chiến tranh và tiêu diệt khủng bố, nhưng đã thất bại trong việc đạt được hòa bình và giải quyết những vấn đề gây ra khủng hoảng ngay từ năm 2011. Với những thách thức còn ngổn ngang, Syria sẽ phải mất một vài năm nữa mới có thể ổn định.
Theo Ngọc Thạch/VOV