Khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tưởng chừng rơi vào cảnh “nước sôi lửa bỏng” sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo cực mạnh. Nhưng trên thực tế, các đoàn tham quan vẫn được phép đến đây, có lẽ do Hàn Quốc và Mỹ đánh giá thấp khả năng leo thang xung đột.
Giữa tháng 5/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ mời hơn chục nhà báo từ các nước Đông Nam Á thăm một số địa điểm ở Hawaii, Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm hiểu vấn đề an ninh ở Đông Bắc Á. Một trong những địa điểm chúng tôi được đến thăm là DMZ nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
|
“Tiền đồn cô đơn nhất thế giới” và “Cây cầu một đi không trở lại”. Ảnh: Thu Loan. |
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Triều Tiên vừa phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa mà giới chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn đáng kể của Bình Nhưỡng vì nó bay cao hơn và lâu hơn tất cả những tên lửa trước đó. Vì thế, trước khi đến khu phi quân sự DMZ, chúng tôi cảm giác hơi run. Đây tuy là khu phi quân sự nhưng Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn tập hợp lực lượng rất đông ở đó. Từ sau chiến tranh kết thúc trên bán đảo, nhiều vụ đụng độ quy mô nhỏ thỉnh thoảng xảy ra ở khu vực này.
Các đoàn khách thăm DMZ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về việc đăng ký trước, không được mặc quần áo kiểu quân đội, không mặc đồ jeans, không được tùy ý chụp ảnh, không được chỉ trỏ hay có hành động kỳ lạ để tránh khả năng xảy ra sự cố.
DMZ nằm cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ hơn 50km về phía bắc. Đoàn xe đưa chúng tôi từ khách sạn nằm ở trung tâm Seoul qua vùng đô thị sầm uất, qua những tòa nhà cao tầng ở khu Keangnam là nơi sinh sống của những người giàu mới nổi và là nguồn cảm hứng cho sự ra đời vũ khúc “Keangnam Style” gây sốt toàn cầu một thời gian dài. Càng xa khu vực đô thị Seoul về phía Bắc, khung cảnh càng tĩnh lặng và bí hiểm. Đồng ruộng, nhà cửa hai bên đường cao tốc thưa vắng dần và đến gần DMZ thì khó tìm được bóng dáng người dân hay nhà cửa. Một cán bộ ngoại giao Mỹ đi cùng đoàn giải thích rằng những người dân sống gần biên giới từ lâu đã được sơ tán xuống phía Nam đề phòng khả năng hai bên xung đột.
|
Một lính Mỹ làm nhiệm vụ trong trụ sở của Ban thư ký Ủy ban đình chiến quân sự thuộc Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc. Ảnh: Thu Loan. |
Qua chốt kiểm tra, xe chúng tôi được một quân nhân Mỹ thuộc lực lượng Liên Hợp Quốc (LHQ) đón để dẫn vào Trại Bonifas - một căn cứ quân sự của Bộ chỉ huy LHQ với sứ mệnh hàng đầu là giám sát và thực thi Hiệp định đình chiến năm 1953. Trong trụ sở của Ban thư ký Ủy ban đình chiến quân sự thuộc Bộ chỉ huy LHQ vẫn giữ một trong những chiếc bàn được sử dụng trong sự kiện ký hiệp định cách đây hơn 6 thập kỷ.
Những bức tranh treo trên tường của căn phòng tóm tắt 5 giai đoạn của cuộc chiến ác liệt trên bán đảo Triều Tiên trong 3 năm (1950-1953), khiến khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng và bán đảo bị chia đôi. Sau khi nghe các thông tin cơ bản về cuộc chiến và nhiệm vụ của lực lượng LHQ, đoàn chúng tôi được dẫn đến sát đường phân định chia cắt hai miền, cách Trại Bonifas khoảng 2,5km vào sâu bên trong, nơi binh lính Triều Tiên và Hàn Quốc hằng ngày giáp mặt.
Cây cầu một đi không trở lại
Đoàn chúng tôi vừa đến gần đường phân định, hai người lính Triều Tiên từ tòa nhà màu xám phía Triều Tiên tiến ra, giơ máy ảnh lên chụp. Thấy cả đoàn có vẻ hoang mang, anh lính Mỹ làm hướng dẫn viên trấn an rằng đoàn nào đến họ cũng chụp ảnh như vậy. Người hướng dẫn để chúng tôi chụp ảnh phía Triều Tiên, nhưng không cho chụp “Ngôi nhà tự do” nằm đối diện ở phía Hàn Quốc. Tại khu vực an ninh chung này có những ngôi nhà một tầng màu xanh dương nằm đè lên đường phân giới. Vì thế mới có cảnh lính Triều Tiên và lính Hàn Quốc vẫn thường xuyên nhìn nhau qua cửa sổ. Sau cuộc thăm chớp nhoáng phòng họp là nơi hai miền từng có các hoạt động ngoại giao và đàm phán quân sự, chúng tôi được đưa đến một cao điểm nhìn xuống “Tiền đồn cô đơn nhất thế giới” và “Cây cầu một đi không trở lại”.
Sau cuộc thăm chớp nhoáng phòng họp là nơi hai miền từng có các hoạt động ngoại giao và đàm phán quân sự, chúng tôi được đưa đến một cao điểm nhìn xuống “Tiền đồn cô đơn nhất thế giới” và “Cây cầu một đi không trở lại”.
“Cây cầu một đi không trở lại” cũng nằm vắt ngang đường phân định ranh giới. Đây là nơi hai bên trao đổi tù binh sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1953. Tên gọi đó xuất phát từ tối hậu thư cuối cùng đối với các tù binh được phép hồi hương rằng, họ có thể ở lại nơi mình bị bắt hoặc qua cầu để trở về. Nhưng khi họ đã bước qua cây cầu sẽ không còn cơ hội quay lại, cho dù họ có đổi ý. Lần cuối cùng câu cầu này được sử dụng để trao đổi tù binh là năm 1968 khi thủy thủ đoàn của tàu Mỹ USS Pueblo được thả và họ phải đi qua cây cầu này sang Hàn Quốc. Cây cầu vẫn được người Triều Tiên sử dụng cho đến vụ hai quân nhân Mỹ bị lính Triều Tiên sát hại vào tháng 8/1976 khi đang chặt một cây che tầm nhìn từ phía Hàn Quốc nhưng Triều Tiên nói rằng đó là cây do nhà lãnh đạo Kim Il-sung trồng.
Sau đó, Bộ chỉ huy LHQ yêu cầu phải xác định rõ đường phân giới qua cây cầu, còn Triều Tiên làm ngay một cây cầu mới chỉ trong 72 giờ đồng hồ. Từ khi có “Cây cầu 72 giờ”, phần phía Bắc của “Cây cầu một đi không trở lại” không còn được sử dụng nữa.
Nằm ngay cạnh “Cây cầu một đi không trở lại” là tiền đồn số 3, chốt canh gác được mệnh danh là “Tiền đồn cô đơn nhất thế giới” vì nó này nằm sát phần lãnh thổ của Triều Tiên và bị vây quanh bởi các tiền đồn của Triều Tiên trên mọi ngả đường và từng xảy ra một số vụ bắt cóc nhằm vào lực lượng của Bộ chỉ huy LHQ.
Từ cao điểm đó còn có thể nhìn thấy Làng Hòa bình của Triều Tiên với một cột cờ cao 160m (cao thứ tư thế giới) và nhiều ngôi nhà cao tầng mà phía Mỹ và Hàn Quốc gọi là làng tuyên truyền, vì thực chất không có người ở mà chỉ được dựng lên để thôi thúc người Hàn Quốc trốn lên phía bắc và là nơi trú ẩn của lính Triều Tiên.
Nhìn từ cao điểm còn thấy những cột mốc nhỏ liêu xiêu nằm dọc đường phân giới. Người dẫn đoàn cho biết, từ năm 1953 đến nay chỉ còn khoảng 15% số cột mốc như vậy còn tồn tại. Sau khi ký Hiệp định đình chiến, hai bên chỉ định cắm mốc tạm thời, nhưng không ngờ chúng phải tồn tại lâu đến thế.
Tour tham quan DMZ của chúng tôi kết thúc bằng chặng dừng chân ở nhà bán đồ lưu niệm gần lối vào. Ngoài trưng bày các loại quân phục, đồ dùng của nhà binh, cửa hàng này còn bán cả loại rượu Triều Tiên được nhập cách đây nhiều năm.
Theo Thu Loan/Tiền Phong