Chuyến thăm chính thức của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam là chuyến công du nước ngoài thứ hai từ khi bà Harris nắm quyền, đồng thời đưa bà trở thành quan chức cao cấp nhất của chính quyền Biden thăm châu Á cho đến nay.
Các chuyên gia trao đổi với Zing chia sẻ quan điểm rằng sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác của Mỹ với ASEAN, tạo động lực thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) dưới thời Tổng thống Joe Biden.
"Chuyến thăm của bà Harris là sự kiện chưa có tiền lệ vì bà là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Đông Nam Á khi còn đương chức", trao đổi với Zing, giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, (Australia) cho biết.
Nhiều tờ báo Mỹ khẳng định vị Phó tổng thống Mỹ đã thể hiện một vai trò tích cực kể từ khi đảm đương chức vụ mới. Bà tham gia gặp gỡ cùng ông Biden với các lãnh đạo nước ngoài, đồng thời có nhiều cuộc trao đổi riêng với những nhân vật quan trọng trên thế giới.
Trước chuyến đi này, văn phòng Phó tổng thống Mỹ phát đi tuyên bố chuyến đi nhằm khẳng định thông điệp "Nước Mỹ đã trở lại" của chính quyền Biden - Harris.
"Bà Harris làm việc rất chặt chẽ với ông Biden, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực hiểu rằng tiếng nói của bà có trọng lượng”, giáo sư Thayer cho biết. "Khi ông Biden hay bà Harris tuyên bố 'Nước Mỹ đã trở lại', cả hai sẽ thực hiện điều đó".
|
Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó tổng thống Harris khẳng định cam kết và ưu tiên của Mỹ đối với khu vực. Ảnh: Reuters.
|
"Nước Mỹ trở lại" ở Đông Nam Á
Dưới nhiệm kỳ của ông Biden, Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi tháng 3 thêm lần nữa khẳng định các trụ cột của chính sách Mỹ, trong đó ASEAN là đối tác quan trọng đối với lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
"Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động tại Đông Nam Á thông qua hai trụ cột chính, đó là can dự toàn diện và xây dựng một mạng lưới các đồng minh và đối tác", ông Thayer nói.
Ông cũng lưu ý thêm rằng trong bài phát biểu tại Singapore hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bổ sung khía cạnh "ngăn chặn tích hợp" như trụ cột thứ ba trong chính sách tại khu vực.
|
Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Australia. Ảnh: Học viện Quốc phòng Australia.
|
Làm rõ hơn cho điều này, Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định đặc trưng về "ngăn chặn tích hợp" được ông Austin nêu lên nhằm kết nối tốt hơn Mỹ và các đối tác trên các lĩnh vực phi truyền thống như an ninh mạng hay công nghệ - thông tin.
Không chỉ vậy, theo giáo sư Thayer, Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia hợp tác vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời thúc đẩy một khu vực thương mại tự do và mở cửa.
"Mỹ sẽ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tuyên bố về 'Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' của tổ chức. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể cam kết hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đối phó với những hành vi hung hăng và o ép trên Biển Đông", ông Thayer nói.
|
Đông Nam Á là ưu tiên chiến lược của Mỹ trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Binh của chính quyền Biden - Harris. Ảnh: AP.
|
"Đối tác ưu tiên"
Trở lại thời điểm tháng 3, Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đã trực tiếp đề cập đến Singapore và Việt Nam, xem hai nước là các đối tác ưu tiên để khẳng định Mỹ sẽ "làm sâu sắc hơn mối quan hệ và thúc đẩy các mục tiêu chung".
“Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức hàng đầu của chính quyền là bộ trưởng Quốc phòng và Phó tổng thống đến thăm hai quốc gia”, ông Thayer cho biết.
Chuyến thăm của bà Harris tiếp nối cuộc gặp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken với những đồng cấp ASEAN vào đầu tháng 8 và chuyến công du ba nước Singapore, Việt Nam cùng Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Austin hồi cuối tháng 7.
Từ khi ông Austin đến Singapore hôm 26/7 đến thời điểm chuyến bay của bà Harris đáp xuống sân bay Paya Lebar ngày 22/8, hai chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ đến Đông Nam Á ngay giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trong chưa đầy 1 tháng.
Lý giải cho điều này, giáo sư Thayer cho rằng: “Các lợi ích địa chiến lược của Singapore và Việt Nam hội tụ khăng khít với Mỹ. Điều đó tạo cơ sở cho sự hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực đang nổi lên trong tương lai."
Đối với Singapore, Mỹ có quan hệ vững chắc trên cả khía cạnh kinh tế lẫn hoạt động quân sự, Foreign Policy cho biết. Washington là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Singapore, và cả hai đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) từ năm 2004. Trong thời gian qua, quân đội hai bên cũng đã hình thành cơ sở hợp tác song phương ổn định.
Trong khi đó, một nghiên cứu từ CSIS cho thấy hợp tác Việt - Mỹ đã có những bước tiến mạnh mẽ kể từ sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Trên cơ sở liên kết về kinh tế và đầu tư, hai quốc gia đã có nỗ lực phối hợp để duy trì mối quan hệ tin cậy và hiệu quả.
Thương mại hai chiều đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trị giá trên 10 tỷ USD và nhập khẩu của Mỹ năm 2020 đạt 79,6 tỷ USD, thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết.
Tuy nhiên, giáo sư Thayer không quên đề cập đến các khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ, nói rằng cần phải nhận ra hai nước có các giá trị riêng về thể chế chính trị và một số yếu tố liên quan.
Ông Thayer nói rằng “ở một chừng mực nhất định, cả hai đã tìm thấy điểm chung bằng cách công khai khẳng định sẽ tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
|
Chuyến thăm của bà Harris tiếp nối chuyến công du trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đến Đông Nam Á hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.
|
An ninh phi truyền thống là trọng tâm thảo luận
Tại Việt Nam, giáo sư Thayer nhận định rằng chuyến thăm của bà Harris sẽ xúc tiến hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, nhấn mạnh việc Mỹ tăng cường hỗ trợ vaccine Covid-19, trang thiết bị y tế và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất dược phẩm.
"Nội dung này bổ sung cho các trao đổi trên khía cạnh an ninh quốc phòng giữa ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hồi tháng 7", ông Thayer cho biết.
Trên khía cạnh môi trường, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, trong khi lĩnh vực kinh tế sẽ chú trọng đến thương mại kỹ thuật số, đầu tư và ổn định chuỗi cung ứng, ông Thayer nói.
Ngoài ra, hai bên sẽ mở rộng hợp tác về an ninh mạng, giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân, ông khẳng định.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Học viện Hải quân Mỹ vào tháng 5, bà Harris từng nhấn mạnh rằng chính đại dịch Covid-19, các cuộc tấn công mạng và biến đổi khí hậu đang khiến thế giới ngày càng liên kết, phụ thuộc lẫn nhau.
Ngoài ra, giáo sư Thayer dự đoán rằng bà Harris có thể sẽ đề xuất thảo luận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Đồng thời, Phó tổng thống nhiều khả năng sẽ chuyển lời mời thăm chính thức Mỹ của ông Biden tới các lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong thời gian tới, ông Thayer nhận định.
Theo Phạm Ân/Zingnews.vn