Vì sao thảm kịch Itaewon không phải một vụ giẫm đạp

Google News

Theo giáo sư G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), thảm kịch ở Itaewon có thể gọi là một vụ đám đông chèn ép, chứ không phải một vụ giẫm đạp.

Một vụ đám đông chèn ép (crowd crush) có thể xảy ra khi quá nhiều người bị nhồi vào một không gian kín.

Nếu có một tác nhân kích thích - như tình trạng xô đẩy hay ai đó vấp ngã - khiến cả đám đông ngã xuống, “hiệu ứng domino” sẽ xảy ra.

“Cả đám đông cùng ngã xuống một lúc”, giáo sư Still nhận định với Washington Post. “Nếu đang ở trong một không gian kín, họ không thể đứng dậy nữa”.

Vi sao tham kich Itaewon khong phai mot vu giam dap

Nơi xảy ra thảm kịch đêm Halloween ở Itaewon, Seoul, Hàn Quốc hôm 29/1. Đồ họa: New York Times. Việt hóa: Bảo Châu.

Khác biệt giữa một vụ đám đông chèn ép và giẫm đạp

Bất cứ khi nào các nhóm lớn tụ tập tại những khu vực gần nhau, sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng mà chuyên gia gọi là "crowd crush", New York Times đưa tin.

Theo đó, một đám đông tập trung gần nhau trong một không gian hạn chế đến mức không ai có thể di chuyển được.

Thương tích và tử vong phổ biến nhất trong những thảm kịch như vậy chủ yếu là do tình trạng “compressive asphyxia” (quá trình hô hấp bị ngăn cản bởi áp lực bên ngoài lên cơ thể). Nó xảy ra khi mọi người bị đẩy, chèn ép lên người nhau quá chặt đến mức đường thở của họ bị co lại.

Trong khi đó, một vụ giẫm đạp (stampede) xảy ra khi người trong cuộc còn có không gian để bỏ chạy, điều không xảy ra tại Itaewon, giáo sư Still cho biết. Theo đó, đám đông càng lớn thì lực dồn ép càng dữ dội.

Vi sao tham kich Itaewon khong phai mot vu giam dap-Hinh-2

Sự khác nhau giữa một vụ đám đông chèn ép và một vụ giẫm đạp. Đồ họa: Straits Times. Việt hóa: Bảo Châu.

Trong một bài viết được đăng tải trên Twitter, một người tự nhận có mặt tại hiện trường mô tả đám đông “ngã xuống như những quân domino và kêu gào”.

“Tôi thực sự cảm thấy như bị đè đến chết”, một bài đăng khác chia sẻ. “Tôi đã thở qua một lỗ nhỏ và khóc khi nghĩ mình sắp chết”. Tác giả của bài viết - đứng gần đỉnh của đám đông - cho biết những người ở đó đã kêu “Hãy cứu chúng tôi”, trước khi được những người gần đó kéo lên.

Ít nhất 156 người đã thiệt mạng trong thảm kịch này, xảy ra tại sự kiện dịp Halloween hôm 29/10 tại phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc.

Trong trường hợp xảy ra chèn ép đám đông, áp lực từ cả bên dưới lẫn bên trên khiến các nạn nhân rất khó thở, vì phổi cần không gian để hô hấp. Sau khoảng 6 phút, những người bị mắc kẹt rơi vào tình trạng nghẹt thở - nguyên nhân tử vong chính của các nạn nhân - giáo sư Still nhận định.

Ngoài nghẹt thở, các nạn nhân cũng có thể bị thương ở tay chân, hoặc mất tri giác khi cố gắng thở hay thoát khỏi đám đông. Chỉ sau 30 giây bị chèn ép, lượng máu lên não có thể bị hạn chế, gây ra tình trạng chóng mặt.

Theo giáo sư Still, các vụ đám đông chèn ép hiếm khi bị gây ra bởi những người mất bình tĩnh, cố gắng thoát khỏi đám đông. Thay vào đó, ông chỉ ra họ chỉ mất bình tĩnh khi bắt đầu ngã xuống.

“Mọi người không chết vì hoảng loạn, họ hoảng loạn vì sắp chết”, ông nói. “Khi mọi người cùng ngã, khi người ta ngã lên nhau, mọi người cố gắng đứng lên, khiến tay chân bị vướng vào với nhau”.

Hiện tượng này từng xảy ra nhiều lần trên thế giới. Chưa đầy một tháng trước, một vụ đám đông chèn ép xảy ra ở một sân vận động tại Malang, Indonesia đã khiến hơn 130 người - bao gồm cả trẻ em - thiệt mạng.

Tháng 11/2021, một vụ khác cũng đã xảy ra tại một đêm nhạc ở Texas (Mỹ), gây ra cái chết của 10 người. Hiện trường thảm kịch có hàng rào thép bao quanh, khiến các nạn nhân bị ép chặt. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không có lối để điều tiết dòng người.

Điều cần làm để sống sót

Theo giáo sư Norman Badler tại Đại học Pennsylvania, dù thảm kịch tại Itaewon xảy ra trên đường phố, mật độ người quá cao khiến họ rất khó di chuyển. Bên cạnh đó, hiện trường cũng không có các lối thoát theo phương ngang.

Trong năm qua, các sự kiện đông người đang được tổ chức thường xuyên hơn khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ. Theo giáo sư Still, mọi người có xu hướng tới các sự kiện nhiều hơn sau thời gian dài không thể tham gia.

Vị giáo sư đề cao tầm quan trọng của hoạt động huấn luyện kiểm soát đám đông - điều có thể đã bị lơ là trong đại dịch.

Ông Martin Amos, giáo sư tại Đại học Northumbria (Anh), chỉ ra các sự kiện đông người cần được lập kế hoạch cẩn trọng. Trong khi đó, giới chức cần được huấn luyện để ứng phó với đám đông.

“Các sự cố như thế này sẽ còn xảy ra chừng nào chúng ta chưa áp dụng các quy trình kiểm soát đám đông đúng đắn - điều giúp lường trước, phát hiện và ngăn chặn mật độ đám đông ở mức nguy hiểm”, ông Amos nói với Washington Post.

Vi sao tham kich Itaewon khong phai mot vu giam dap-Hinh-3

Hai tình huống có thể dẫn tới thảm kịch chèn ép chết người. Đồ họa: Straits Times. Việt hóa: Bảo Châu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên những người bị kẹt trong đám đông giẫm đạp nên để tay trước ngực “như một võ sĩ quyền Anh” và giữ tư thế đứng vững.

Cơ quan này cũng cho biết mọi người không nên chống lại áp lực của đám đông, mà thay vào đó nên cố gắng di chuyển theo đường chéo đến rìa đám đông khi dòng chuyển động tạm lắng.

Trong trường hợp ngã không thể đứng dậy được, mọi người cần nhanh chóng thu mình lại giống như thai nhi trong bụng mẹ, xoay người nằm nghiêng, hai tay ôm lấy đầu, đùi gấp vào bụng ngực, hai cẳng chân áp sát vào đùi. Khuỷu tay và đầu gối chạm nhau, tạo thành một tam giác để có không khí thở, đồng thời tam giác cơ thể cũng tạo nên sự vững chắc bảo vệ nội tạng.

Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.

Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.

Theo Châu An/Zing