Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Mỹ tiết lộ Thủ tướng Abe đã "gửi cho tôi bản sao bức thư mà ông ấy đã gửi cho ban tổ chức giải Nobel". "Ông ấy nói 'thay mặt cho Nhật Bản, tôi trân trọng đề cử ông. Tôi đang đề nghị họ trao cho ông giải Nobel Hòa bình", ông Trump nói với phóng viên.
Tuy nhiên ngày 17/2, tờ Asahi (Nhật Bản) cho biết Chính phủ Mỹ đã đề nghị Thủ tướng Abe gửi đề cử giải Nobel Hòa bình sau khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên vào tháng 6/2018. Thông tin này được tờ Asahi dẫn một nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Nhật Bản.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina năm 2018. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng ngày cho biết bộ này biết về phát ngôn của Tổng thống Mỹ nhưng "không đưa ra bình luận về liên hệ giữa hai nhà lãnh đạo". Nhà Trắng cũng không bình luận gì về thông tin từ tờ Asahi khi được hãng tin Reuters đề nghị.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhấn mạnh lý do Thủ tướng Nhật Bản đề cử ông nhận giải Nobel Hòa bình: "Các bạn biết tại sao không? Bởi vì từng có tên lửa bay qua Nhật Bản. Giờ đây, họ cảm thấy an toàn. Tôi đã làm nên điều đó".
Tổng thống Trump từng phàn nàn về giải Nobel Hòa bình trao cho cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009 và cho rằng mình không có cơ hội như vậy: "Họ đã trao giải cho Obama. Ông ấy thậm chí còn không biết vì sao mình được nhận giải. Còn tôi thì có lẽ sẽ không bao giờ được trao giải", ông Trump thừa nhận.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng ông đã cứu sống 3 triệu người ở Idlib, Syria vì đã cảnh báo để ngăn lực lượng Nga, Iran và Chính phủ Syria tấn công vào đây, mà "không ai nói về điều đó".
Tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng khẳng định Tổng thống Trump xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Năm 2018 là một năm nhiều thành công về ngoại giao của Tổng thống Trump, trong đó nổi bật là tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên, diễn ra tại Singapore.
Ông Trump dự kiến gặp lại Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào ngày 27-28/2 tới đây để tiếp tục bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trang web của Quỹ Nobel cho biết, một đề cử cho giải Nobel Hòa bình có thể được đệ trình bởi bất cứ người nào đã tiếp xúc với người được đề cử, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia.
Theo quy định của Quỹ, tên và các thông tin của những ứng cử viên "trượt" giải sẽ không được tiết lộ trong vòng 50 năm.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức