Công dân Canada Schellenberg, 36 tuổi, bị bắt giữ tại Trung Quốc từ cuối năm 2014 và phiên tòa xét xử đối tượng này đã bắt đầu từ năm 2016. Trong phiên tòa xét xử hồi năm 2017, Tòa án tại thành phố Đại Liên đã tuyên án Robert Lloyd Schellenberg 15 năm tù giam với cáo buộc buôn lậu 222kg methamphetamine từ Trung Quốc đến Australia.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 14/1/2019, Tòa thượng thẩm thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã đảo ngược phán quyết trước đó, tuyên án tử hình với Schellenberg.
Vụ án này bỗng chốc thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Canada vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu từ phía Mỹ hồi đầu tháng 12/2018.
|
Robert Lloyd Schellenberg bị toà án Trung Quốc tuyên án tử hình vì tội buôn ma tuý. Ảnh: CNN. |
Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc tuyên án tử hình đối với Schellenberg là hành động “trả đũa” Canada, bởi vụ án diễn ra với nhiều điểm đáng ngờ. Một số người cho rằng Trung Quốc đang chơi bài “con tin chính trị” nhằm gây sức ép với Canada sau vụ bà Mạnh Vãn Chu.
“Trung Quốc đã vội vàng xét xử lại nghi phạm người Canada và tuyên án tử hình người này. Đây rõ ràng là nỗ lực gây áp lực để Canada trả tự do cho CFO Huawei Mạnh Vãn Chu", ông Kenneth Roth, Giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, bình luận.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, việc tái thẩm ở Trung Quốc rất hiếm, đặc biệt là trường hợp kêu gọi bản án nặng hơn.
“Vụ án này từng được xử lý rất chậm nhưng lại đột ngột được các tòa án xem xét nhanh chóng”, Margaret Lewis, Giáo sư luật tại Đại học Seton Hall, cho hay.
Trước đó, luật sư của Schellenberg, Zhang Dongbury, cũng nói với AP rằng diễn biến nhanh chóng của quá trình tố tụng vụ án này là một điều bất thường.
Còn theo Tiến sĩ John Lee, người từng là cố vấn an ninh cho Ngoại trưởng Australia, bản án tử hình dành cho Schellenberg có thể phản tác dụng với Trung Quốc.
“Trong khi Bắc Kinh đang cần giành được nhiều sự ủng hộ, phán quyết này sẽ chỉ đẩy lùi các nước thân thiện (đối với Trung Quốc), trong khi củng cố quyết tâm của các bên ủng hộ việc Ottawa bắt giữ bà Mạnh”, Tiến Lee bình luận.
Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, nếu Bắc Kinh tiếp tục nhắm vào Canada, họ sẽ chỉ nhận được sự tức giận và phản ứng ngược từ dư luận quốc tế.
CNN dẫn lời Maya Wang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền Trung Quốc, cho biết, mặc dù Trung Quốc rất “mạnh tay” trong việc xử lý tội phạm liên quan đến ma túy nhưng trong quá khứ, những tội phạm là người phương Tây thường nhận được bản án nhẹ hơn cho những tội danh như vậy.
“Còn trong vụ án lần này, việc công dân Canada (Schellenberg) bị kết án tử hình ở Trung Quốc là một điều rất bất thường”, bà Maya nói.
Theo CNN, việc công dân Canada bị tuyên án tử khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là một hành động “trả đũa chính trị” hay là một dấu hiệu chỉ ra tiền lệ mới ở Trung Quốc rằng những tội phạm ma túy người phương Tây sẽ phải đối mặt với hình phạt giống như tội phạm ở phần còn lại của thế giới?
Trong bối cảnh nền chính trị và kinh tế Trung Quốc phát triển hiện nay, thời đại “khoan hồng” (của Bắc Kinh) dành cho người Phương Tây có thể đã kết thúc.
Thiên An (Tổng hợp)