Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định Việt Nam là cây cầu kết nối Hàn Quốc với ASEAN và là trọng tâm trong chính sách hướng nam mới của nước này. Đây là chính sách đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN và giảm phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc.
Dự kiến 13h hôm nay (22/3), Tổng thống Hàn Quốc đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong ba ngày theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam của Tổng thống Moon Jae In. Trước đó, tháng 11-2017, ông Moon là một trong các lãnh đạo của 21 nền kinh tế đến Đà Nẵng dự Tuần lễ cấp cao APEC.
|
Tổng thống Moon Jae In và phu nhân sẽ thăm Việt Nam trong ba ngày - Ảnh: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. |
Tiềm năng lớn về hợp tác năng lượng
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, thứ 11 thế giới (năm 2017) với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 29.730 USD. Do đó, chuyến thăm của ông Moon Jae In được kỳ vọng thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Hôm nay, Asian Nikkie Review dẫn bài trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết ông Moon hi vọng hai quốc gia sẽ phản ứng hiệu quả đối với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, một trong những chủ đề được đề cập nhiều nhất trên thế giới và cùng nhau tạo ra động lực tăng trưởng cho tương lai.
Nikkie nhận định chuyến thăm của ông Moon đến Việt Nam diễn ra trong thời điểm các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang xem khu vực Đông Nam Á là sự thay thế cho thị trường Trung Quốc.
Hiện nhiều tập đoàn Hàn Quốc đang bị tẩy chay ở Trung Quốc do nước này giận dữ trước việc Hàn Quốc và Mỹ thỏa thuận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm ngoái, được cho ảnh hưởng đến an ninh của Bắc Kinh.
Tờ báo Nhật cho biết Samsung đang mở rộng hiện diện ở Việt Nam khi đầu tư nhiều hơn vào sản xuất màn hình tivi và điện thoại thông minh trong khi tập đoàn Shinsegae đang tính mở chuỗi cửa hàng bán lẻ E-Mart ở Hà Nội.
Các nhà kinh tế cho rằng có rất nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác cùng nhau, bao gồm lĩnh vực năng lượng mà Việt Nam đang háo hức phát triển. Nhu cầu điện của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 10,7% mỗi năm trước 2020 do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.
"Về hợp tác kinh tế, Hàn Quốc nên tìm kiếm những dự án mà Việt Nam đang cần. Chúng tôi dự đoán sản xuất điện, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh và đào tạo kỹ sư sẽ là những lĩnh vực hợp tác hứa hẹn bởi vì đây là những lĩnh vực bền vững và có nhiều cơ hội thành công", Nikkie dẫn lời ông Jeong Kwi-il, nhà nghiên cứu ở Viện Thương mại Quốc tế tại Seoul, nói.
|
Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh - Ảnh: Nikkie |
Việt Nam thâm hụt thương mại lớn
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về viện trợ phát triển chính thức (sau Nhật Bản), thứ hai về du lịch và thương mại (sau Trung Quốc).
Tuy nhiên, kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực ngày 20-12-2015, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng nghiêng về hướng có lợi cho quốc gia Đông Bắc Á.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 61,5 tỉ USD, tăng 41,29%. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,8 tỉ USD, nhập khẩu đạt 46,7 tỉ USD, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc lên tới 31,9 tỉ USD (tăng 53,74%), biến Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017.
Những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… do Samsung đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam.
Các sản phẩm khác Việt Nam nhập nhiều từ thị trường này là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như máy móc, thiết bị, vải các loại, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép và kim loại thường khác.
Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc bao gồm điện thoại các loại, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng thủy sản và giày dép.
Về hợp tác du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc).
Năm 2017, lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 2,5 triệu lượt khách (tăng 128% so với cùng kỳ năm 2016).
Dày đặc các hoạt động
Theo lịch trình cập nhật mới nhất, 15h chiều nay, Tổng thống Moon Jae In đến Liên đoàn bóng đá Việt Nam giao lưu với huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo và đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam.
Sau đó, Tổng thống Moon Jae In sẽ đến khu công nghệ cao Hòa Lạc dự lễ động thổ xây dựng Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Cùng ngày, ông Moon Jae In sẽ gặp gỡ cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam.
Ngày mai (23-3), Tổng thống Moon Jae In sẽ đến đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau lễ đón chính thức tại Phủ chủ tịch, Tổng thống Moon Jae In sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nguyên thủ hai nước sau đó cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác và gặp gỡ báo chí.
Cùng ngày, Tổng thống Moon Jae In đến chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm khu nhà sàn Bác Hồ và dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước.
Theo Quỳnh Trung/Báo Tuổi Trẻ