Ở Nga, dư luận lo ngại bởi chính ý tưởng về khả năng trao trả đảo cho Nhật Bản, trong khi ở Nhật Bản, đa số vẫn muốn nhận được tất cả 4 hòn đảo của quần đảo Kuril. Liệu ý kiến công chúng có là một trở ngại "không thể vượt qua" trên con đường tiến tới một hiệp ước hòa bình và thay đổi quan hệ giữa hai nước hay Putin và Abe có thể làm thay đổi dư luận vì lợi ích chiến lược của Nga và Nhật?
Khi dư luận xã hội trở thành rào cản
Đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - tăng cường đàm phán về việc ký kết hiệp ước hòa bình, dựa trên tuyên bố chung năm 1956, trong đó chỉ có hai đảo Habomai và Shikotan được thảo luận, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở Nga và Nhật Bản. Mặc dù V. Putin rất thận trọng nhận xét về sáng kiến của Shinzo Abe, nhưng cần phải hiểu hết nghĩa của từ "trả đảo" trong tuyên bố năm 1956 của Liên Xô. Ngay sau đó, Shinzo Abe đã nhấn mạnh rằng Tokyo không thay đổi quan điểm của mình về việc cần thiết phải đàm phán cho tất cả 4 hòn đảo. Trong bối cảnh ấy, dư luận xã hội ở Nga và Nhật Bản đều cho rằng, mọi thứ đã được quyết định, và vào năm tới, một “hợp đồng chuyển nhượng” sẽ được ký kết.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga V.Putin trong một lần gặp gỡ |
Theo tờ "Vzglyad", ý kiến công chúng Nga có thể tóm gọn như sau: "không thể nhường một tấc đất của tổ quốc! Chúng ta không thể thỏa thuận về bất cứ điều gì với người Nhật - họ là kẻ lừa dối, không độc lập và là con rối của Mỹ. Thậm chí ngay cả hai hòn đảo nhỏ nếu được trao trả, sau đó họ sẽ đòi lại Iturup và Kunashir. Ngoài ra, việc chuyển giao Habomai và Shikotan sẽ khiến tàu ngầm của Nga không được tự do tiếp cận Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ không còn các kho dự trữ rheni, một trong những kim loại đắt tiền và hiếm hoi nhất, mất một khu vực đánh cá. Và, quan trọng hơn cả là một tiền lệ nguy hiểm sẽ được tạo ra. Nga sẽ chịu nhiều áp lực trước các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ từ Kaliningrad tới
Karelia, từ các vùng lãnh thổ giáp biển Baltic tới toàn bộ vùng Viễn Đông của chúng ta”.
Một cuộc khảo sát của độc giả tờ “Vzglyad” (Tầm Nhìn) cho thấy: 76% tin rằng trong mọi trường hợp, không nên chuyển hai hòn đảo Habomai và Shikotan cho Nhật Bản. Một cuộc khảo sát tương tự được tiến hành bởi một ấn phẩm khác cách đây hơn một năm, trong số hơn 50.000 độc giả đã cho thấy: 89% muốn các hòn đảo vẫn thuộc về Nga. Đồng thời, số người ủng hộ ý tưởng giao lại đảo cho Nhật Bản không vượt quá 10%; 10 -15% ý kiến khác đồng ý về việc sử dụng chung các đảo, trong khi vẫn duy trì chủ quyền của Nga.
Trong mọi trường hợp, số lượng người Nga chống lại việc chuyển giao đảo Kuril cho Nhật Bản đều cao hơn số người ủng hộ ý tưởng có thể xem xét khả năng này.
Ở Nhật Bản, theo một cuộc thăm dò gần đây của Công ty truyền hình Fuji và tờ báo Sankei, gần 36% tin rằng, theo tuyên bố năm 1956, Tokyo có thể được trao trả 2 đảo Shikotan và Habomai. Đồng thời, 62% nhấn mạnh rằng Iturup và Kunashir cũng nên đòi lại. Giờ đây, số người ủng hộ việc trao trả hai hòn đảo nhỏ (Shikotan và Habomai) đã tăng gấp đôi so với trước đây.
Tuy nhiên, cả xã hội Nhật Bản và Nga chủ yếu phản đối một thỏa hiệp, mà nói một cách nghiêm túc là khả năng giải quyết thông qua việc chuyển giao hai hòn đảo như một cử chỉ thiện chí được ghi nhận trong tuyên bố năm 1956. Nó chỉ ra rằng Putin và Abe sẽ phải thay đổi dư luận cả ở Nga và Nhật, hoặc bỏ qua nó để ký một thỏa thuận. Không có cách thứ ba để kết thúc hiệp ước hòa bình, bởi rõ ràng là trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ không đồng ý kết thúc một hiệp ước với sự từ chối trao trả Habomai và Shikotan.
Một câu hỏi được đặt ra: V. Putin và Shinzo Abe có thể bỏ qua ý kiến công chúng?
Có thể khẳng định rằng họ có thể. Điều dễ hiểu là cả hai đều không được bầu lại nữa (Abe chắc chắn sẽ không còn là Thủ tướng vào năm 2021 và Putin sẽ giữ vị trí lãnh đạo quốc gia ngay cả sau năm 2024, mà không giữ chức tổng thống của Liên bang Nga). Để ký kết Hiệp ước hòa bình Nga - Nhật, như họ nói, chỉ tiến hành từ ý tưởng của riêng mình về lợi ích quốc gia và tính toán chiến lược. Nhưng trên thực tế, cả Putin lẫn Abe đều không muốn và sẽ không phớt lờ dư luận của đất nước họ - họ sẽ cố gắng thay đổi nó. Tất nhiên, chỉ khi họ đồng ý với nhau về nội dung cụ thể của thỏa hiệp về quần đảo Kuril.
Abe và Putin có thể thuyết phục được các thần dân của họ?
Dường như Abe sẽ dễ dàng hơn để làm điều này - 36% đã ủng hộ việc hài lòng với hai hòn đảo nhỏ. Nhưng nếu cuộc đàm phán giữa Putin và Abe thành công thì thỏa thuận của họ rất có thể sẽ được ít người Nhật ưa thích hơn. Chắc chắn bắt đầu từ việc chia sẻ lãnh thổ sẽ có điều kiện không triển khai bất kỳ lực lượng quân sự nào ở đó. Kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sẽ có quyền công dân kép cho cư dân của Shikotan, thậm chí cả chủ quyền kép.
Một lựa chọn như vậy sẽ khai thông cho Hiệp ước hòa bình Nga - Nhật.
Chính Abe đã đưa nước Nhật trở lại sau khi thất bại trong Thế chiến II (cải cách hiến pháp với sự trở lại của một số quan điểm tư tưởng quốc gia, hợp pháp hoá khái niệm quân đội và những vấn đề khác). Khởi đầu từ Abe, Nhật Bản cần xây dựng mối quan hệ mới với Nga. Nếu không có quan hệ mới với Nga, không thể xây dựng mối quan hệ mới, ít phụ thuộc hơn với Mỹ. Đây cũng là mục tiêu chiến lược chính của Tokyo.
Nếu Abe và một phần của giới thượng lưu Nhật Bản sẽ tiếp tục đi theo con đường “Nhật hóa và phi Mỹ hóa Nhật Bản”, chắc chắn họ sẽ đẩy mạnh dư luận xã hội Nhật Bản thông qua một thỏa thuận với Nga. Xét cho cùng, bằng cách làm như vậy, họ sẽ tạo điều kiện cho giải pháp của nhiệm vụ tiếp theo. Sau khi loại bỏ vấn đề giả như “lãnh thổ phía Bắc”, người Nhật không bị xao lãng bởi “vấn đề phía Nam”. Đó là căn cứ quân sự Mỹ nằm trên đảo Okinawa, vấn đề thực sự vi phạm chủ quyền của Nhật Bản.
Về phía V. Putin, một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản không phải là một trong những mục tiêu quan trọng đối với Nga. Tuy nhiên, thay đổi quan hệ với Nhật Bản, biến họ thành một quan hệ đối tác chiến lược (có nghĩa là khả năng xây dựng kế hoạch và dự án chung trong nhiều thập kỷ tới) là lợi ích quốc gia của Nga. Nếu nhận thấy giới tinh hoa Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận điều này thì trở ngại duy nhất còn lại là tranh chấp lãnh thổ. Trong bối cảnh ấy, Moskva có thể sẽ cố gắng giải quyết một cách hài hòa.
Tất nhiên, điều tốt nhất cho Nga là thuyết phục Nhật Bản rằng, nó cần phải đồng ý với cơ chế chủ quyền kép, cùng nhau quản lý hai trong số bốn hòn đảo - Habomai và Shikotan và từ bỏ tuyên bố chủ quyền bằng văn bản với Iturup và Kunashir. Rất có thể, đây là giải pháp mà Tổng thống Nga sẽ chọn nhưng có rất ít cơ hội để Abe đồng ý với quyết định như vậy. Do đó, trong trường hợp Putin quyết định đi theo con đường dần dần chuyển giao hai hòn đảo, ông sẽ có những động thái phù hợp với dư luận Nga, thuyết phục và giải thích lý do tại sao nó có lợi cho Nga.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến Nga -Nhật vì chủ quyền của các hòn đảo Kuril sẽ kéo dài.
Theo Duy Long/GDTD