Tiếp tục thông tin mới nhất về vụ ám sát Tổng thống Venezuela:
|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại Caracas ngày 4/8. Ảnh: THX/TTXVN
|
Việc sử dụng tới 2 thiết bị bay không người lái được gắn chất nổ và được điều khiển từ xa để tấn công nhằm vào một sự kiện có mặt toàn bộ ban lãnh đạo Venezuela và các thành viên lực lượng Phòng vệ Quốc gia cho thấy đây là kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, bài bản và chi tiết. Rất may, lực lượng an ninh Venezuela đã phát hiện kịp thời và bắn hạ trước khi các thiết bị này tiếp cận “mục tiêu”, bởi nếu không hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Không chỉ liên quan tới tính mạng của Tổng thống Maduro và ban lãnh đạo Venezuela có mặt tại buổi lễ, vụ tấn công sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn về an ninh, chính trị, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Đây cũng là “kịch bản” mà các thế lực thù địch cả trong và ngoài Venezuela lâu nay vẫn tìm mọi cách và bằng mọi hình thức với ý đồ lật đổ chính quyền cách mạng Bolivar.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Maduro đã xuất hiện trên sóng truyền hình thông báo việc cơ quan an ninh Venezuela đã bắt giữ được một số đối tượng tham gia âm mưu đen tối này, đồng thời tố cáo các nhóm cực hữu trong nước đứng ra thực hiện kế hoạch tấn công với sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch ở nước ngoài hòng gây bất ổn tình hình tại Venezuela.
Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela phải đối mặt với những âm mưu gây bất ổn của các thế lực thù địch. Trong suốt gần 20 năm theo đuổi con đường cách mạng theo tư tưởng của vị anh hùng giải phóng Simon Bolivar, kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999, đất nước Venezuela đã phải đối mặt với rất nhiều âm mưu phá hoại tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị và xã hội, trong đó có vụ đảo chính và bắt giam nhà lãnh đạo Hugo Chavez vào tháng 4/2002.
Tuy nhiên, nhờ có sức mạnh của nhân dân và lực lượng quân đội trung thành nên nhà lãnh đạo cánh tả đã được giải thoát và trở lại nắm quyền chỉ sau đó 48 giờ. Trong suốt thời gian ông nắm quyền cho tới khi ngã bệnh và qua đời vào đầu năm 2013, chính quyền của Tổng thống Chavez cũng phải đối mặt với hàng loạt vụ phá hoại ngành dầu khí, một mũi nhọn của nền kinh tế Venezuela, cũng như các vụ bạo loạn, gây bất ổn định xã hội do phe đối lập phát động.
|
Hiện trường sau vụ nổ tại Lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập lực lượng Phòng vệ quốc gia ở Caracas, ngày 4/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kể từ khi Tổng thống Maduro đắc cử lần đầu tiên năm 2013 và kế tục di sản mà nhà lãnh đạo cánh tả Chavez để lại, các hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền, phá hoại công cuộc cách mạng Bolivar cũng không ngừng gia tăng.
Ngay thời gian đầu sau cuộc bầu cử năm 2013, khi không thể thực hiện ý đồ phá hoại “con tàu” cách mạng bằng con đường bầu cử dân chủ, phe cánh hữu ở Venezuela, với sự kích động từ bên ngoài, đã phát động hàng loạt cuộc biểu tình bạo động, khiến tình hình xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng.
Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch sau đó đã tiến hành hàng loạt chiến dịch phá hoại nền kinh tế và ổn định xã hội, từ hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường, cho tới tuồn trái phép đồng nội tệ Bolivar với số lượng lớn ra nước ngoài, gây khan hiếm tiền mặt ở trong nước hòng gây hỗn loạn thị trường tài chính tiền tệ.
Mặc dù cơ quan chức năng Venezuela đã đấu tranh quyết liệt với những âm mưu phá hoại này, song cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Venezuela, vốn đã lâm vào khủng hoảng do giá dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này - giảm mạnh.
Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Một số chuyên gia cho rằng những âm mưu chống phá liên tục suốt nhiều năm qua đã không đem lại kết quả, chính quyền cách mạng Bolivar vẫn trụ vững và đó cũng là lý do khiến các thế lực thù địch bắt đầu tính đến những chiến lược mới, kể cả thực hiện ý đồ ám sát lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Venezuela, trong bối cảnh nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Maduro mới chỉ bắt đầu.
Khi Chính phủ Venezuela đang phải giải quyết những “bài toán hóc búa” do tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, những vụ tấn công như vụ việc ngày 4/8 là minh chứng cho thấy các thế lực thù địch chưa chịu từ bỏ âm mưu phá hoại những thành quả của cuộc cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng.
Tuy nhiên, như chính Tổng thống Maduro đã khẳng định, dù thế nào đi nữa thì những âm mưu đen tối cũng sẽ không bao giờ có thể khuất phục được ý chí của nhân dân Venezuela. Việc nhân dân Venezuela, trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, một lần nữa bầu cho ứng cử viên của liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục làm người lãnh đạo cao nhất đất nước trong 6 năm tới, đã thể hiện rõ niềm tin của người dân vào tiến trình cách mạng mà cả dân tộc đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Đây sẽ là sức mạnh để Chính phủ Venezuela tiếp tục vượt qua thử thách, giữ vững thành quả cách mạng.
Theo Hoài Nam (P/v TTXVN tại Nam Mỹ)