Ngay từ khi vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu xảy ra, nhiều người đã tỏ ra lo ngại về việc Canada bị “mắc kẹt” trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Thật không may cho Canada, sự thật có lẽ còn tồi tệ hơn.
|
Bà Mạnh Vãn Chu (trái) sau khi được bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: Canadian Press. |
Nếu như Bắc Kinh buộc tội nhằm thẳng vào Washington thì có lẽ Ottawa đã có thể dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như có ý định chuyển hướng sự gây hấn nhằm vào Canada nhằm gây sức ép gián tiếp lên phía Mỹ và Ottawa đang phải “giơ đầu chịu báng”.
Trung Quốc bắt hai công dân Canada
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đưa tin, an ninh nước này đã bắt giữ hai người Canada trong hai sự vụ riêng lẻ vì nghi ngờ họ có liên quan đến các hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh cảnh báo rằng việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ở Vancouver sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Các nhà quan sát, trong đó bao gồm cả hai cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc nói với The Guardian cho rằng, đây là hành động trả đũa của Bắc Kinh. Trung Quốc đương nhiên không thừa nhận hai vụ bắt giữ nêu trên có bất kỳ sự liên quan nào đến vụ Huawei nhưng thời gian cùng những diễn biến sắp tới sẽ trả lời cho tất cả.
Với Trung Quốc, đương nhiên vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu sẽ được coi như một động thái chính trị dù phía Mỹ cho rằng họ hành động bởi bà Mạnh đã cố tình vi phạm các lệnh cấm vận để làm ăn với Iran.
Bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt hôm 1/12 ở Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc lừa dối các ngân hàng quốc tế, nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran, hành động vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Washington áp đặt với Tehran. Tuy nhiên, bà Mạnh phủ nhận bất cứ vi phạm nào.
Vụ bắt giữ diễn ra giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết, bản thân bà Mạnh cũng là người có tầm ảnh hưởng không phải là nhỏ. Mỹ rõ ràng hiểu những hệ quả đặt ra trong vụ bắt giữ nhưng thực tế động thái này không phải là chưa từng có. Hồi đầu năm nay, Mỹ đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Giám đốc điều hành của hãng xe hơi Volkswagen Martin Winterkorn vì có liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải. Và rõ ràng, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không phải là hành động bột phát từ phía Mỹ mà Giám đốc tài chính của Huawei đã trở thành đối tượng của một cuộc điều tra kéo dài 2 năm qua.
Canada “chịu trận” thay Mỹ
Dù gì đi chăng nữa, các lời đe dọa nhằm vào Canada đều được cho là “đặt sai chỗ”. Canada đã thực hiện những gì họ buộc phải làm theo thỏa thuận dẫn độ ký kết với Mỹ: bắt giữ một nghi phạm theo yêu cầu và thực hiện các trình tự tố tụng theo quy định của hệ thống tư pháp sở tại. Bà Mạnh – người phủ nhận hành vi sai trái của mình đã được phép tiếp cận lãnh sự, được đảm bảo đầy đủ quyền lợi pháp lý và hiện đang được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh.
Trong khi đó, doanh nhân Canada Michael Spavor và cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig – hai người bị Trung Quốc bắt với nghi ngờ tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước Trung Quốc hiện không rõ đang bị giam giữ ở đâu và chưa được trao quyền tiếp cận lãnh sự.
Ông Kovrig, một nhà ngoại giao trước đây làm việc cho Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG). Người ta mô tả ông là một nhà phân tích được kính trọng và có mối quan hệ tốt, một nhà quan sát có trách nhiệm và góc nhìn đa chiều, người đã cùng với các quan chức cấp cao của Trung Quốc cố gắng giải thích quan điểm của nước này với cộng đồng quốc tế. Vào thời điểm Bắc Kinh đối mặt với ánh mắt nghi ngại gia tăng trên phạm vi toàn cầu, một số người có thể nghĩ rằng vì lợi ích, Trung Quốc khuyến khích những người đối thoại như vậy. Tuy nhiên, số khác lại nhìn nhận theo hướng ngược lại, họ coi trọng những thứ khác hơn tình bạn.
Sức ép với Canada dường như càng gia tăng khi chính quyền Mỹ để ngỏ khả năng trường hợp bà Mạnh Vãn Chu có thể trở thành con bài mặc cả trong đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại. Khi được hỏi về việc liệu ông có định can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu hay không, Tổng thống Donald Trump ngày 11/12 trả lời với Reuters rằng ông "sẽ làm bất cứ điều gì, nếu nó đem lại lợi ích cho quốc gia".
Tuyên bố này của ông Trump có thể mang tính bản năng hơn là đề ra chính sách giải quyết vấn đề. Tuy vậy, nó cũng đã trở thành cái cớ để những kẻ cơ hội cho rằng đó là lời khuyến khích những người khác coi việc bắt giữ như một con bài mặc cả. Và ông Trump cũng đã cung cấp cho nhóm ủng hộ bà Mạnh cơ sở để nói rằng vụ bắt giữ mang động cơ chính trị.
Nếu Tổng thống Mỹ thực sự can thiệp, điều đó sẽ khiến hình ảnh nước Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi công lý bị chính trị chi phối và nguy hiểm hơn, điều đó chẳng khác nào lời xác nhận Mỹ yêu cầu sự trợ giúp của đồng minh nhưng sẵn sàng bỏ mặc họ khi xảy ra hoạn nạn.
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto Nelson Wiseman, chỉ ra rằng Trung Quốc tới nay mới chỉ nhắm mục tiêu trả đũa vào công dân Canada chứ không phải Mỹ - bên đưa ra yêu cầu bắt bà Mạnh.
"Người Trung Quốc có thể dễ dàng bắt các doanh nhân hoặc nhà ngoại giao Mỹ đang ở nước này, họ cũng có thể làm cả hai. Nhưng họ không làm vậy", Wiseman nói.
Giới quan sát cho rằng, với tư cách là đồng minh của Canada, Mỹ nên làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ khi Ottawa phải đối mặt với hành động trả đũa dưới bất kỳ hình thức nào. Việc bảo vệ Canada cũng chính là bảo vệ Mỹ và câu chuyện có thể vẫn chưa dừng lại ở đây./.
Theo Hùng Cường/VOV