Hơn 1 tháng trôi qua, tới nay, vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại vẫn chưa được làm sáng tỏ, với nhiều câu hỏi chưa lời giải đáp, bất chấp sự hối thúc điều tra của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả đồng minh thân cận của Riyadh, là Mỹ. Những hệ lụy của vụ việc đã và đang tác động phần nào đến các hoạt động quân sự của Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen.
|
Các cuộc điều tra về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Ảnh: DPA. |
Các cuộc điều tra về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa thể lí giải cho những câu hỏi mà dư luận quốc tế rất quan tâm, như: Ai, cấp bậc nào đứng ra chỉ thị vụ giết hại nhà báo; thi thể nhà báo đang ở đâu và đã bị xử lý như thế nào;… Một cuộc điều tra quốc tế cũng đã được Liên Hợp Quốc kêu gọi.
Trong một động thái mới nhất cho thấy quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa vụ việc ra trước ánh sáng, hôm qua (10/11), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thông báo, nước này đã chuyển các bản sao ghi âm liên quan tới vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại cho phía Saudi Arabia, Mỹ, Đức, Pháp và Anh.
Phát biểu trước khi lên đường tới Pháp dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Tổng thống Erdogan cho biết: “Chúng tôi đã đưa tất cả các đoạn băng ghi âm liên quan tới vụ việc cho Saudi Arabia, Mỹ, Đức, Pháp và Anh. Các quốc gia này đã nghe tất cả các cuộc hội thoại tại thời điểm xảy ra vụ việc. Không cần phải bóp méo vấn đề này, họ biết chắc chắn về kẻ giết người, hoặc kẻ giết người nằm trong số 15 người đã tới Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cùng ngày, tại Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron cũng đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Saudi Arabia cần phải làm sáng tỏ hoàn toàn cái chết của nhà báo Khashoggi và không nên để vụ việc khiến tình hình Trung Đông thêm bất ổn. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo thừa nhận, vấn đề này có thể tạo ra “cơ hội cho một giải pháp chính trị” đối với cuộc xung đột tại Yemen.
Tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Pháp được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở khi mà hôm qua, chính phủ Na Uy cũng đã quyết định theo chân Đức, ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia – điều có thể tác động trực tiếp đến các hoạt động quân sự của Riyadh tại Yemen. Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, quyết định được đưa ra sau khi nước này đã đánh giá kĩ lưỡng những diễn biến gần đây tại Saudi Arabia và tình hình chiến sự ở Yemen.
Trước đó hồi cuối tháng 10, tại Mỹ, nhiều nghị sĩ tại Hạ viện nước này cũng đã kêu gọi chính phủ ngừng bán vũ khí cho phía Saudi Arabia để trừng phạt quốc gia đồng minh sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, đến nay, chính phủ quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất cho phía Saudi Arabia vẫn đang “do dự”, bởi lẽ điều này sẽ khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là thương vụ trị giá 110 tỷ USD.
Nhưng có lẽ không vì thế mà Mỹ có thể làm ngơ với đồng minh sau vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này. Mới đây, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng vụ việc để cùng gây áp lực lên phía Saudi Arabia nhằm khiến đồng minh ngừng các hoạt động quân sự tại Yemen, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn để có thể bước vào bàn đàm phán tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Hôm qua, Mỹ và Saudi Arabia cũng đã nhất trí về việc Washington sẽ ngừng hỗ trợ tiếp nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu của Liên quân Arab trong cuộc chiến tại Yemen. Với tuyên bố có đủ khả năng thực hiện hoạt động này, Saudi Arabia dường như đang không muốn “làm khó” đồng minh trước sức ép từ trong và ngoài nước sau vụ việc.
Rõ ràng, sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi, Saudi Arabia đã và đang hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ dư luận quốc tế. Bên cạnh một số hợp đồng buôn bán vũ khí bị hủy bỏ và đình trệ, thế giới cũng đang gây áp lực lên cường quốc vùng Vịnh này để chấm dứt các hoạt động quân sự gây thương vong cho dân thường tại Yemen.
Theo Đình Nam/VOV.VN