Cụ thể, Mỹ đã có 20.389 trường hợp tử vong vì COVID-19, cao nhất trên toàn cầu, chính thức vượt qua Italy, nước hiện có 19.468 người chết. Tổng số ca nhiễm của Mỹ là 524.903 người.
Hôm 11/4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết các con số tại bang này đang có dấu hiệu ổn định và đường cong dịch bệnh đang dẹt xuống. Theo ông, bang New York nhiều khả năng đã trải qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, số người chết được ghi nhận hàng ngày tại New York vẫn ở mức rất cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đã thông qua yêu cầu tuyên bố tình trạng thảm họa tại bang Wyoming. Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, tất cả các bang đồng thời ở trong tình trạng thảm họa được tuyên bố ở cấp liên bang.
|
Mỹ đang dẫn đầu thế giới cả về số ca nhiễm lẫn số ca tử vong. |
Ngoài ra, hôm 11/4, Lầu Năm Góc đã thông báo về việc thực hiện dự án đầu tiên của bộ này với các quyền hạn được trao dưới Đạo luật sản xuất quốc phòng, nhằm đẩy nhanh việc sản xuất hơn 39 triệu khẩu trang N95 để đối phó với đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Anh tiếp tục tiến triển tốt
Sức khỏe của ông Boris Johnson tiếp tục chuyển biến tích cực sau khi rời phòng chăm sóc đặc biệt. Hôm 11/4, ông đã có tuyên bố đầu tiên kể từ khi nhập viện hôm 4/4. “Tôi không biết cảm ơn thế nào cho đủ. Họ đã cứu sống tôi”, ông Johnson nói về các nhân viên Hệ thống Y tế Quốc gia tại bệnh viện St Thomas, nơi ông được điều trị.
Anh hiện có 79.874 ca nhiễm COVID-19, với 9.892 người chết. Hôm 11/4, Nữ hoàng Anh đã gửi đến người dân một thông điệp nhân dịp lễ Phục Sinh, đề cao niềm hy vọng giữa cuộc khủng hoảng. Nữ hoàng cho biết, Phục Sinh là khoảng thời gian khi “ánh sáng bao trùm bóng tối”.
Gần 60.000 người khỏi bệnh tại Tây Ban Nha
Tổng cộng 59.109 người đã chiến thắng virus corona chủng mới tại Tây Ban Nha, tăng hơn 11.000 người trong 3 ngày vừa qua – theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế nước này hôm 11/4. Tuy nhiên, số người chết cũng tăng thêm 510 người trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm đang được điều trị cũng tăng 1,5% lên 86.390 người.
Trong tuần tới, Tây Ban Nha sẽ nới lỏng lệnh giới hạn đối với một số nơi làm việc như công trường xây dựng, trong khi lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến ít nhất ngày 26/4. Chính phủ nước này cam kết sẽ cung cấp 10 triệu khẩu trang cho các công nhân quay trở lại làm việc trong tuần tới.
|
Tây Ban Nha đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch |
Nhật kêu gọi người dân tránh các điểm giải trí ban đêm
Thủ tướng Nhật Abe Shinzo kêu gọi người dân hạn chế đến các địa điểm giải trí về đêm như hộp đêm và quán bar, đồng thời tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội.
Hôm 7/4, ông Abe cho biết Nhật Bản cần giảm ít nhất 70-80% tiếp xúc giữa người và người trong vòng 2 tuần tới để đảo ngược chiều hướng gia tăng trong số ca nhiễm COVID-19. Đối với các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Nhật Bản chỉ áp dụng phương pháp khuyến cáo và kêu gọi, thay vì ban bố các lệnh áp đặt và chế tài xử phạt.
Pháp tuyên bố qua đỉnh dịch, số người chết giảm
Hôm 11/4, Pháp tuyên bố rằng đại dịch đã đạt đến giai đoạn ổn định, mặc dù số người chết vẫn ở mức rất cao.
Quan chức y tế hàng đầu nước này, ông Jerome Salomon cho biết đã có thêm 353 người chết tại các bệnh viện và 290 người chết tại các viện dưỡng lão, đưa tổng số người chết tại Pháp lên 13.832.
“Đại dịch có vẻ như đã chạm đến một đỉnh điểm rất cao và bắt đầu bình ổn, song dịch bệnh vẫn đang hoạt động rất mạnh”, ông Salomon phát biểu trước báo giới. “Chúng ta vẫn phải duy trì cảnh giác tuyệt đối”.
Theo TTXVN